Trong làng nghệ thuật Việt Nam, Hoàng Trinh là một cái tên đặc biệt. Nữ nghệ sĩ sinh năm 1968, đã cống hiến hơn 200 vai diễn đa dạng trên sân khấu và màn ảnh suốt 30 năm qua. Chị được biết đến với cuộc sống không scandal, không chạy theo xu hướng, luôn cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.
Từ cô bé "xướng ca vô loài" đến nghệ sĩ đa tài
Sinh ra trong gia đình 11 anh chị em tại Sài Gòn, Hoàng Trinh lớn lên trong môi trường kỷ cương, nề nếp. Là con gái một chủ tiệm may nổi tiếng ở đường Pasteur, Quận 1, chị sống gần các tụ điểm văn hóa như rạp phim, nhà hát. Tuy nhiên, cha mẹ không ủng hộ chị theo nghệ thuật. Ban đầu, Hoàng Trinh thi vào ngành Sư phạm nhưng niềm đam mê phân tích tâm lý khiến chị bỏ ngang để theo đuổi nghệ thuật.
Hoàng Trinh lén lút thi vào Đoàn kịch Cửu Long Giang, vừa học nghề tại đoàn vừa theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Một kỷ niệm đáng nhớ của chị là khi đang diễn trên sân khấu, bất ngờ phát hiện mẹ ngồi dưới khán phòng. Cô chạy vào hậu trường khóc nức nở. Nhưng chính từ khoảnh khắc đó, Hoàng Trinh được gia đình chấp nhận theo đuổi con đường nghệ thuật và tốt nghiệp trường nghệ thuật năm 1991.
Tài năng và bản lĩnh trong nghệ thuật
Với khả năng diễn xuất đa dạng, Hoàng Trinh để lại dấu ấn qua nhiều vai diễn đáng nhớ. Thời kỳ đầu tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, nữ nghệ sĩ gây ấn tượng với vai Thủy trong Tiếng giày đêm, cô cháu ngoại trong Trầu cau và đặc biệt là vai Noriko trong Đèn không hắt bóng.
Sau đó, Hoàng Trinh tiếp tục thành công với các vai diễn như Ngọc Dao trong Bí mật vườn Lệ Chi, Hoàng Kim trong Cuộc chơi nghiệt ngã, cô giáo Xuân trong Đùa với bóng hay Hoàng hậu Thượng Dương trong Ngàn năm tình sử. Năm 1995, tài năng của Hoàng Trinh được ghi nhận với giải Mai Vàng cho vai diễn Hoa Na trong vở Trong hào quang bóng tối.
Năm 1997, Hoàng Trinh chuyển về đầu quân cho Idecaf và thể hiện diễn xuất đa dạng qua loạt vai công chúa trong các vở Hoàng tử chăn lợn, Vua hóa cò, Ngư ông và tiên cá, Bạch Tuyết và 7 chú lùn... Từ năm 2000 đến 2006, chị còn được nhiều thế hệ khán giả nhớ đến với vai trò thành viên nhóm Líu Lo trong chương trình Chuyện ngày xưa với nickname mèo Li Li.
Nhóm Líu Lo hội ngộ trong chương trình "Ký ức vui vẻ:
Video: Đông Tây
Người phụ nữ của gia đình
Sau ánh đèn sân khấu, Hoàng Trinh là một người vợ, người mẹ tận tụy. Cuộc hôn nhân với nghệ sĩ Dị Thảo là chặng đường đẹp, dù phải trải qua nhiều thăng trầm. Khi chồng bị ung thư, Hoàng Trinh vừa chăm sóc chồng, vừa lo cho con gái đang du học và không ảnh hưởng đến việc biểu diễn. Sau khi chồng mất, Hoàng Trinh mạnh mẽ vượt qua nỗi đau để tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho con gái.
"Sau khi ông xã mất, có những lúc tôi khóc như một đứa trẻ. Tôi nhớ từ cái bàn, cái ghế, từ chỗ anh ngồi đến những thứ xung quanh đều lưu lại kỷ niệm. Nhưng tôi hiểu rằng, đã là cuộc sống, mình phải trải qua những buồn vui", nữ nghệ sĩ chia sẻ với truyền thông.
Lặng lẽ và bình yên ở tuổi ngũ tuần
Ở tuổi ngoài 50, Hoàng Trinh vẫn miệt mài với nghề, nhưng không đặt nặng áp lực phải nổi tiếng hay tỏa sáng. Mới đây, chị tiếp tục gây chú ý khi tham gia vở Dưới bóng giai nhân của đạo diễn Quang Thảo, một tác phẩm cảm tác từ Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Đặc biệt, sự kiện hội ngộ nhóm Líu Lo sau 19 năm với các nghệ sĩ Thành Lộc, Thanh Thủy, Đình Toàn, Bạch Long đã khiến nhiều khán giả xúc động về một thời tuổi thơ gắn liền với Chuyện ngày xưa.
Điều quan trọng với nữ nghệ sĩ không phải là vị trí hay tầm ảnh hưởng của vai diễn mà là làm tròn trách nhiệm trong từng vai được giao. Hoàng Trinh không ép buộc bản thân phải như thế này, thế kia mà muốn sống như một người bình thường, đón nhận những thăng trầm của sự nghiệp, của cuộc đời với tâm thế bình thản.
Lý Minh
Ảnh: Tư liệu