Nghịch lý làm từ thiện... ‘chui’
Điều này nghe có vẻ vô lý và... phản cảm, nhưng lại là thực tế. Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, điều đáng nói, Nghị định lại chưa có những quy định điều chỉnh đối với cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ngược lại, Nghị định này chỉ quy định với tổ chức làm từ thiện.
Từ thiện là hoạt động xuất phát từ tấm lòng "lá lành đùm lá rách". |
Trong khi đó, suốt thời gian qua, việc cá nhân làm từ thiện, nhận tiền quyên góp cho hoạt động thiện nguyện đã diễn ra rất sôi động, đóng góp tích cực vào công tác này. Đợt lũ miền Trung năm 2020, có nữ ca sỹ đã nhận được con số kỷ lục lên đến hàng trăm tỷ đồng từ các cá nhân khác gửi gắm để hỗ trợ đồng bào vượt qua thiên tai.
Số tiền quyên góp của mỗi đợt từ thiện như vậy là rất lớn, nhất là với những người nổi tiếng. Nhưng, đó cũng là lúc nảy sinh những tranh cãi dữ dội về tiền từ thiện đã được người nhận quyên góp sử dụng như thế nào. Một tâm lý hoài nghi, chia rẽ bao trùm khi xuất hiện các luồng ý kiến trái chiều.
Song, như trên đã nói, trường hợp nghệ sĩ, MC, người làm thiện nguyện nhận ủng hộ, quyên góp của các cá nhân, tổ chức khác để đi làm từ thiện thực tế không có quy định điều chỉnh họ phải tiếp nhận ra sao, chi tiêu, công khai minh bạch thế nào... Cho nên, viện dẫn theo căn cứ pháp lý, rất khó để yêu cầu người làm từ thiện phải “sao kê” tài khoản. Điều đó không có nghĩa pháp luật không xử lý được việc “thiện nguyện trá hình”, “lợi dụng từ thiện để trục lợi”, bởi Bộ Luật hình sự có đầy đủ các quy định để xử lý nếu phát hiện hành vi lừa đảo, chiếm dụng tiền từ thiện.
Nhưng ở góc độ người làm từ thiện, việc công khai minh bạch những khoản đóng góp, chi tiêu là cần thiết bởi nhiều người đã gửi gắm vào họ không chỉ tiền, mà còn là niềm tin. Càng minh bạch bao nhiêu, uy tín của người làm từ thiện càng tốt bấy nhiêu.
Từ thiện chuyên nghiệp
Những hạn chế trên cũng cho thấy, việc từ thiện cần phải chuyên nghiệp hơn, có thể không phải bằng các giấy phép, nhưng cần rõ ràng hơn về cách thức.
Những hạn chế của Nghị định 64 cũng đã được Bộ Tài chính nhận diện. Cuối năm ngoái, Bộ này đưa ra lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 64, theo hướng bổ sung quy định cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước theo hai phương án.
Phương án 1: Quy định theo hướng khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định.
Nhiều nghệ sĩ làm từ thiện để tranh thủ đánh bóng tên tuổi (ảnh minh họa) |
Về phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định, để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.
Về công khai nguồn đóng góp tự nguyện, các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.
Phương án 2: Chỉ quy định 1 điều rất chung. Đó là khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Chưa rõ phương án nào được lựa chọn, nhưng những lùm xùm từ thiện thời gian qua cho thấy, việc người làm thiện nguyện nói chung, nghệ sỹ nói riêng làm từ thiện cũng cần chuyên nghiệp. Bởi phía sau danh tiếng là tai tiếng. Nếu không xử lý tốt việc chi tiêu tiền từ thiện, thì làn sóng chỉ trích, tẩy chay từ phía công chúng, người quyên góp sẽ rất lớn.
Trong giới nghệ sĩ, có một trường hợp làm từ thiện rất chuyên nghiệp, các nghệ sỹ hoàn toàn có thể tham khảo. Đó là trường hợp ca sỹ Mỹ Tâm. Năm 2008, ca sỹ Mỹ Tâm đã có giấy phép Quỹ từ thiện mang tên ‘Mỹ Tâm Foundation’. Nguồn kinh phí cho Quỹ được trích ra từ lợi nhuận trong tất cả các hoạt động của công ty giải trí Mỹ Tâm.
Một luật sư chia sẻ, dưới góc độ đạo đức thì mọi hoạt động thiện nguyện đều được đánh giá cao. Những người đóng góp tiền bạc tài sản của mình thật đáng được trân trọng, những người bỏ công kêu cũng đáng được ghi nhận nếu họ trung thực và minh bạch. Những người làm thiện nguyện thầm lặng thì đáng được tôn vinh, những người hành thiện mà lan toả những điều tốt đẹp cho mọi người biết cũng đáng được cảm kích. Những người làm từ thiện thầm lặng và thường xuyên tiết lộ “bí mật” về việc làm thiện nguyện thầm lặng này cũng là những người rất tốt.
“Người Việt chúng ta có có truyền thống tương thân - tương ái, lá lành đùm lá rách đã hun đúc bao đời. Vì vậy, hoạt động thiện nguyện đã diễn ra rất phổ biến trong xã hội và gần đây cũng lắm thị phi, ồn ào trên mạng xã hội. Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại vấn đề dưới góc nhìn pháp lý để hoạt động thiện nguyện vốn dĩ tốt đẹp đi vào trật tự, minh bạch đúng với bản chất ban đầu của nó”, vị luật sư giãi bày.
Hà Duy
Quy tắc ứng xử nghệ sĩ Việt: Minh bạch từ thiện, không quảng cáo sai sự thật
Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ mà Bộ VH-TT&DL chuẩn bị ban hành có nội dung yêu cầu nghệ sĩ không phát ngôn phản cảm, phải minh bạch từ thiện, không quảng cáo sai sự thật…