“Phải kích động, tạo cơ hội và điều kiện để đẩy đàn ông vào bếp nhiều hơn. Như giả vờ ốm, giả vờ bận để đẩy chồng vào một con đường duy nhất là buộc phải nấu”, anh Nam đưa ra lời khuyên.
Là một trong số ít nam giới có mặt trong group nấu nướng với hàng trăm nghìn thành viên đều là phụ nữ, anh Lê Nam (TP. Hồ Chí Minh) được biết đến với biệt danh “Trai Việt can cook” (Trai Việt biết nấu nướng) vẫn chia sẻ các hình ảnh, công thức món ăn đều đặn. Anh là doanh nhân thành đạt nhưng vẫn đều đặn vào bếp chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.
Đừng khen đàn ông biết nấu ăn là “soái ca”
Nghe nhiều lời chê về trai Việt lười nhác bợm nhậu, trong khi đàn ông Tây được khen lấy khen để biết nấu nướng, phụ vợ chăm con, dọn dẹp nhà cửa, anh Nam cảm thấy rất ấm ức nên quyết tâm tạo dựng hình ảnh đẹp hơn cho đàn ông Việt.
Bắt đầu từ việc chứng minh đàn ông Việt cũng biết nấu nướng, anh Nam thường xuyên chia sẻ hình ảnh các món ăn do mình nấu với cái tên “Trai Việt can cook”.
Anh cho biết, trước tuổi 23 anh không biết làm bất cứ việc gì, không biết cách sử dụng nồi cơm điện, không biết cách dùng máy giặt, ngay cả việc sắp xếp quần áo cũng không. Anh sinh ra trong gia đình khá giả, mọi việc giặt giũ lau dọn nấu nướng đã có người giúp việc làm hết. Mọi thứ thay đổi khi anh ra ngoài sống tự lập.
Là doanh nhân thành đạt nhưng anh Nam vẫn dành thời gian nấu ăn hằng ngày cho gia đình. |
Anh thường là người về sớm, nấu cơm rồi xem tivi đợi vợ về nhà cùng dùng cơm. |
“Ở chung với mẹ, tôi chẳng biết làm gì hết. Đến mức khi tôi biết nấu, chia sẻ trên mạng xã hội, ai đó mách với mẹ tôi là “con cô biết nấu rất nhiều món ngon”, mẹ tôi còn cười và cho đó là điều không tưởng”, anh Nam thẳng thắn chia sẻ.
Cho đến khi học ngành quản lý khách sạn, trong chương trình có một chuyên đề nhỏ dạy về nấu nướng, anh mới có cơ hội vào bếp. Năm 2005, anh thực tập trong nhà hàng của một khách sạn lớn, tiếp xúc với đồ ăn nhiều anh mới nhận ra mình thích nấu nướng.
“Tôi bắt đầu nấu cho bữa cơm gia đình thường xuyên từ năm 2012 đến nay. Có những món tôi không thích ăn nhưng vẫn làm để biếu bạn bè, người thân như bánh ngọt chẳng hạn. Lúc đầu tôi chỉ nấu món Âu, sau rồi cũng nấu thử món Việt. Nhưng tôi không nấu như truyền thống mà có biến tấu đi. Tôi quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của món ăn nên hạn chế cho các gia vị có sẵn như đường, muối, mắm...thay vào đó tôi dùng các nguyên liệu tự nhiên để tạo độ chua, mặn theo khẩu vị như cà chua, me, dứa…”, anh chia sẻ.
Anh không chỉ nấu ăn ngon mà còn bày biện rất đẹp mắt. |
Khi chia sẻ các món ăn mình nấu lên mạng xã hội, nhiều người trầm trồ khen anh “đảm đang”, “soái ca”, cũng không ít người tỏ ra nghi ngờ “có phải do anh làm hay là chụp ở nhà hàng”. Anh Nam bảo “soái ca” không phải là một lời khen mà là một câu chỉ trích đàn ông tệ. Nó chỉ ra thực trạng rằng, đàn ông Việt xưa nay quá lười vào bếp nên giờ có người biết nấu nướng thì trở thành hiện tượng lạ.
“Khen đàn ông biết vào bếp là “soái ca”, tức chính những người phụ nữ vẫn còn mang nặng tư tưởng không chấp nhận đàn ông vào bếp, vẫn cho rằng đàn ông không thể nấu. Phải coi đó là chuyện bình thường, bởi ở thời đại này cả đàn ông và phụ nữ đều có công việc ngoài xã hội, khi về nhà thì nên chia sẻ với nhau”, anh Nam nói.
Các món ăn cộp mác “Trai Việt can cook” nhằm chứng minh cho mọi người thấy đàn ông Việt cùng thích nấu nướng chứ không tệ như người ta vẫn nói. |
Tuyệt chiêu “dụ” chồng vào bếp
“Đàn ông biết nấu nướng không chỉ tốt cho phụ nữ, chia sẻ gánh nặng với phụ nữ mà còn tránh được các thói hư tật xấu khác. Khi đàn ông biết nấu ăn tức là anh ta phải dành nhiều thời gian cho gia đình. Nấu ăn đơn giản nhưng tốn nhiều thời gian, muốn nấu thì phải đi chợ mua đồ, sau đó phải dọn dẹp, nghĩ món mới cho ngày hôm sau.
Các thành viên trong gia đình bên nhau nhiều hơn, ở nhà nhiều thì hạn chế ra ngoài nhậu nhẹt, tụ tập bạn bè. Bản thân con cái nhìn thấy cũng học hỏi theo, cùng cha mẹ vào bếp”, anh Nam phân tích.
Theo anh Nam, chuyện đàn ông lười vào bếp đôi khi là từ phía người phụ nữ. Người vợ cứ chiều chuộng, cơm bưng nước rót cho chồng nên đâm ra họ lười và thờ ơ chuyện bếp núc.
Từ nhỏ người mẹ hãy kéo con mình vào bếp chứ đừng đợi đến khi lấy vợ. |
“Hãy tạo cơ hội cho đàn ông vào bếp nhiều hơn. Người vợ hãy tế nhị đẩy chồng buộc phải vào bếp, nấu một lần hai lần rồi sẽ thành quen. Ví dụ như giả vờ ốm bệnh không thể nấu, nếu không nấu thì hai vợ chồng không có gì ăn, giả vờ phải có việc ra ngoài trong khi con đói không chịu được buộc chồng phải vào chiên cơm cho con.
Lần đầu có nấu dở cũng được, hãy góp ý nhẹ nhàng và tư vấn cho chồng cách nấu tốt hơn chứ đừng chỉ trích, coi thường hay chê cười rồi nói kháy kiểu “trời sắp bão hay sao mà hôm nay anh lại vào bếp”, anh Nam gợi ý.
Tuy nhiên, theo “Trai Việt can cook” người có vai trò quyết định trong việc kéo đàn ông vào bếp không phải người vợ, mà là người mẹ.
“Từ nhỏ người mẹ phải kéo con mình vào bếp, không cần cho con cầm dao thái thịt, mà hãy giao cho con nhặt rau hay phụ làm gì đó đơn giản. Có thể không cần sự trợ giúp của con, mẹ làm 5-10 phút là xong, còn làm 30 phút – 1 tiếng mới xong nhưng cứ kệ con. Cần phải tạo cơ hội cho con tham gia vào việc bếp núc ngay từ nhỏ”, anh Nam nói.
Kim Minh (ảnh NVCC)