- Trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, con số tồn ngân tại Kho bạc Nhà nước được công bố là 94.000 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với yêu cầu, nguyên nhân chính là do giải ngân vốn đầu tư công không đạt như tiến độ.

Chậm giải ngân, thiệt trăm tỷ

Trước đó vào cuối tháng 2/2014, cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết ngân sách đã huy động được tới gần 57.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng lại đang được Kho bạc Nhà nước mang đi gửi tại các ngân hàng, chưa giải ngân được cho các dự án.

Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành phải nhanh chóng giải ngân vốn cho xây dựng cơ bản, khẩn trương đưa tiền vào nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhưng đến nay thì số tiền tồn đọng đó không hề giảm đi, ngược lại còn tăng cao hơn, cùng với việc huy động trái phiếu tăng.

Theo các số liệu, tính đến hết tháng 7/2014, Chính phủ thông qua Kho bạc Nhà nước đã phát hành hơn 220.000 tỷ đồng, tiền trái phiếu, con số này cao gấp hơn 2 lần so với cả năm 2013. Trong khi giải ngân chậm thì phát hành trái phiếu vẫn tăng mạnh, mang lại sự không ăn khớp giữa các kế hoạch và gây ra lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.

Về nguyên tắc, số tiền thừa này, Kho bạc Nhà nước phải đem gửi tại Ngân hàng Nhà nước, nơi nào không có Ngân hàng Nhà nước thì gửi ngân hàng thương mại. Nếu gửi Ngân hàng Nhà nước thì không có lãi suất, còn gửi ngân hàng thương mại sẽ hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

{keywords}

Con số tồn ngân tại Kho bạc Nhà nước vừa được công bố là 94.000 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với yêu cầu

Nếu khoản tiền trên huy động qua phát hành trái phiếu với lãi suất bình quân khoảng 6% so với lãi suất không kỳ hạn chỉ ở mức 1% thì việc tồn đọng hơn 90 ngàn tỷ trái phiếu sẽ gây ra thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ mỗi tháng.

Tiền chạy vòng quanh

Điều đáng ngại hơn, theo Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, các NH dùng tiền mua trái phiếu Chính phủ, tiền này chưa thể giải ngân được cho các dự án công lại quay ngược chảy vào các ngân hàng. Vốn ngân hàng thừa "chạy lòng vòng", sau đó lại "chui" vào ngân hàng như vậy chỉ tạo ra một vòng quay nhưng không đi vào nền kinh tế.

{keywords}

Khi huy động lớn nhưng giải ngân chậm sẽ gây thêm nhiều khó khăn và tạo ra những thiệt hại không đáng có

Trước tình trạng vốn trái phiếu hay bị ứ do giải ngân chậm, một số ý kiến cho rằng, để sử dụng vốn ngân sách có hiệu quả thì Kho bạc Nhà nước chỉ nên duy trì khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng tại các N để gối đầu, con số 94.000 tỷ đồng như hiện nay là quá lớn.

Theo các chuyên gia, ngoài những con số thiệt hại do ứu vốn thì số tiền thừa này có thể ảnh hưởng đến hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay, có lẽ Kho bạc Nhà nước cũng không biết làm thế nào hơn, bởi lý do chính lại xuất phát từ các dự án.

Theo Kho bạc Nhà nước thì tiến độ giải ngân cho các dự án năm nay khá chậm. Đúng kế hoạch đến thời điểm này phải giải ngân đạt 60%, nhưng thực tế mới đạt có 42%. Và cũng không có hồ sơ giải ngân nào bị tồn đọng. Trước kia mất 5 ngày giải ngân cho một hồ sơ, nay chỉ cần 2 ngày.

Vấn đề chính thuộc về các dự án với các nguyên nhân như giải phóng mặt bằng chậm, thiết kế và dự toán chậm dẫn đến lúng túng trong giải ngân, thủ tục hành chính trong xây dựng dự án, đấu thầu kéo dài... khiến cho vốn không thể đẩy ra nền kinh tế.

Trong khi tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng từ đầu năm tới nay khá ì ạch, thấp xa so với kế hoạch, nhiều người hy vọng đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách cho các dự án công để đảm bảo tăng trưởng GDP, nhưng xem ra kênh này cũng đang bị nghẽn.

Đã có tính toán dự kiến, với mục tiêu đề ra tăng trưởng GDP năm nay trên 5,3% thì Bộ Tài chính có quyền phát hành trên 300.000 tỷ đồng trái phiếu.

Nếu theo ước tính này, 5 tháng còn lại, nếu phát hành thành công thêm 100.000 tỷ đồng và toàn bộ số tiền thu được qua phát hành trái phiếu được đẩy ra nền kinh tế thì mọi chuyện êm đẹp, tín dụng chỉ cần tăng 7% vẫn đảm bảo cho tăng trưởng GDP đúng mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc phát hành thêm 100.000 tỷ đồng có thể thành công dễ dàng thì việc làm sao đẩy hết 300.000 tỷ đồng trái phiếu ra nền kinh tế lại không dễ.

Mặc dù vậy, việc tạm dừng phát hành trái phiếu Chính phủ từ nay đến cuối năm cũng được cho là không thể, bởi vốn huy động đã được lên kế hoạch cho từng dự án cụ thể rồi phải đáp ứng đầy đủ. Có thể tiến độ giải ngân chậm, nhưng nhu cầu về vốn các dự án vẫn cần. Và tất nhiên khi huy động lớn nhưng giải ngân chậm sẽ gây thêm nhiều khó khăn và tạo ra những thiệt hại không đáng có.

Trần Thủy