Ngày hôm trước...

Lâu lắm rồi, trong bữa ăn, gia đình cậu bé lớp 6 và cậu bé chuẩn bị vào lớp 1 mới có một câu chuyện rôm rả như vậy.

Cả nhà bàn về chuyến du lịch 30/4 sắp tới, được nghỉ tận 4 ngày, được bay vào Phú Quốc. Họ xôn xao chuyện ở chỗ nào, ăn chỗ nào, chụp chỗ nào, up face cái gì...

Chuyến đi để thưởng cho một cậu bé vừa đạt điểm cao kỳ thi cuối học kỳ, một cậu bé vừa vượt qua kỳ kiểm tra năng lực để vào... lớp 1 của ngôi trường cả nhà yêu thích.

Bữa ăn như dài ra và như ngon hơn với các món tưởng tượng sắp tới ở thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc.

Đêm xuống, mẹ và em trai của cậu bé lớp 6 vẫn hồn nhiên nói về chuyến nghỉ mát sắp tới của gia đình. Đã gần 1 năm, vì dịch Covid-19, nên cả gia đình không đi đâu. Họ từng đặt vé máy bay, từng đặt phòng ở một nơi chỉ có biển xanh, cát trắng và nắng vàng, nhưng đã phải hoãn tới 3 lần.

Đối với người lớn, đó là điều bình thường còn với những đứa trẻ, đó là cả một 'sự tan vỡ', cả một 'niềm thất vọng', thậm chí cả một 'khối chán chường'.

Những chiếc áo bơi, kính bơi được đứa bé mang ra mặc, đeo thử. Đứa lớn vào google tìm hiểu địa chỉ sắp tới. Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến kỳ nghỉ. Người mẹ mang máy ảnh ra lau chùi, kiểm tra pin. Tất cả đang hy vọng vào một kỳ nghỉ hoàn hảo.

Đó là những bữa hải sản tươi rói, thơm thơm mằn mặn vị biển, những bức hình lung linh dưới ánh nắng chan hòa. Đó là những ngày quên hết tắc đường, công việc, bài tập hay toan tính 'tối nay ăn gì'...

Sự kỳ vọng vào chuyến đi như hiển hiện luôn cả vào giấc ngủ, của ba mẹ con...

{keywords}
 

Ngày hôm sau...

6h sáng. Như mọi ngày, tiếng chuông báo thức từ điện thoại vang lên. Hai bố con bật dậy. Vệ sinh cá nhân xong, họ ngồi xem tivi 10 phút, trước khi ra khỏi nhà. Bố bắt đầu một ngày làm việc mới, con bắt đầu một ngày học bán trú.

Trong chiếc tivi quen thuộc là những hình ảnh lạ lẫm, kinh hoàng. Những hình ảnh ngoài sức tưởng tượng về cơn lốc Covid-19 đang càn quét ở Ấn Độ, ở ngay các nước Lào, Campuchia, Thái Lan...

Hình ảnh về Covid là những thứ luôn ám ảnh. Hơn một năm nay, nó vẫn ám ảnh như thế. Đại dịch gây chết chóc, tang thương ở nơi tưởng rất xa mà thật gần, ngay Ấn Độ, ngay 'châu Á nhà mình'. Cảnh người chết hàng loạt, cảnh những bệnh nhân vừa qua đời nằm lạnh lẽo trong tấm vải trắng buộc vội vàng, cảnh đốt xác, cảnh bệnh viện không còn chỗ trống, bình ô xy cạn kiệt. Tận cùng của kinh hoàng, tận cùng của ám ảnh, và tận cùng của sợ hãi.

Covid đến và càn quét khốc liệt từ sinh mạng con người đến kinh tế, mọi thứ trên thế giới. Điều này ai cũng biết, kể cả cậu bé đang học lớp 6 sắp tắt tivi, đeo khẩu trang và bước ra khỏi nhà, đến trường này.

Xem tivi, nó ngồi lặng đi như một người lớn từng chứng kiến điều gì đó hệ trọng trong cuộc đời. Chắc chắn nó sẽ mang theo hình ảnh này trong đầu, đến lớp kể với bạn nó. Vì mấy hôm nay, thực ra là hơn 1 năm nay, Covid -19 cũng đã trở thành đề tài 'thời sự' nhất đối với mọi người, kể cả những đứa trẻ trên ghế nhà trường...

Trên quãng đường ngắn ngủi ra xe buýt của trường, hai bố con vẫn nói chuyện như thường lệ. Bố đưa ra những thông tin cảnh báo của Bộ y tế, của các địa phương về việc hạn chế tụ tập đông người. Bố nói về những nguy cơ lây lan nhanh nếu đi chỗ này, chỗ kia, về giả thiết  rằng nếu chúng ta đến nơi nào có người bị 'dính', sẽ phải cách ly, sẽ 'toang'... Cậu bé lớp 6 im lặng, nhìn ra xa xăm.

Ngày hôm nay...

6h tối. Cậu bé sắp vào lớp 1 buồn thiu khi kể lại những điều cô nói ở lớp. Cô giáo chia sẻ: "Covid-19 đang ở gần chúng ta, chúng ta không nên tụ tập đông người, không nên đi vào những nơi này nơi kia...". Cậu bé lớp 6 im lặng chờ đợi quyết định. Người mẹ lặng lẽ lấy điện thoại 'oder' thêm khẩu trang, dung dịch rửa tay.

Bữa cơm tối nay bao trùm một không khí ngược lại hôm qua, khi quyết định hoãn kỳ nghỉ mát được đưa ra. Lũ trẻ được nói rất lâu, rất kỹ về sự an toàn, tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, về một kỳ nghỉ sẽ được tổ chức một dịp không xa, khi Covid đã 'vãn hồi', ở mức an toàn có thể. Cả nhà sẽ về quê, thăm ông bà, nấu những bữa ăn mang đậm hương vị quê hương...

Hoãn, hủy một chuyến du lịch vốn đầy rẫy nguy cơ cho mình, cho xã hội là một quyết định tưởng dễ mà không hề đơn giản chút nào. Nhưng chắc chắn, sự an toàn sẽ là 'kỳ nghỉ' có ý nghĩa lớn nhất, với mỗi gia đình.

Chọn 'an' hay chọn 'toang'? Gia đình tôi đã chọn, còn bạn?

Lâm Tuấn 

Bạn có thể gửi ý kiến cho chúng tôi về: Bandoisong@vietnamnet.vn hoặc dưới phần bình luận. Ý kiến của bạn không nhất thiết phải trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!


'Nghỉ lễ ở nhà và ngừng thói vũ phu'

'Nghỉ lễ ở nhà và ngừng thói vũ phu'

"Sau khi xảy ra xung đột thì tốt nhất nên nghỉ lễ ở nhà. Hai vợ chồng cùng nhìn nhận lại mình để khắc phục", một độc giả nhận xét.

 

Chồng đánh tôi vì không hủy chuyến đi chơi dịp lễ

Chồng đánh tôi vì không hủy chuyến đi chơi dịp lễ

Kế hoạch cho chuyến đi Phú Quốc đã xong thì chồng tôi muốn hủy vì lo dịch Covid-19 đang phức tạp. Tôi phản đối cho rằng anh lo lắng thái quá và bị cái tát trời giáng.