Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Nghị quyết 18 về đất đai bảo đảm được hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất sẽ giúp giảm thiểu được lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa

Việc Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" có một ý nghĩa rất quan trọng đối với thực tiễn.

Nghị quyết đặt ra yêu cầu nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Điều này rất quan trọng, bởi vì chỉ khi nào các nội dung của Nghị quyết được thấm nhuần tới từng cán bộ, đảng viên, từng người dân và doanh nghiệp thì Nghị quyết mới có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn. Thêm vào đó, khi cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đúng, đầy đủ về những nội dung của Nghị quyết thì chính sách, pháp luật về đất đai sẽ được thực hiện nghiêm, tránh được các hiện tượng tiêu cực, vi phạm.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (Sửa đổi, bổ sung năm 2011), Hiến pháp năm 2013. Nghị quyết này đã kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng về quản lý và sử dụng đất qua các kỳ Đại hội của Đảng, nhất là Đại hội XIII trong bối cảnh mới. Nghị quyết ra đời là cơ sở chính trị quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Qua đó, Nghị quyết là cơ sở để ban hành các chính sách giúp giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.

 Đình Thành, Kiều Oanh, Như Sỹ