Mới đây, tại TP.HCM, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Cởi trói” trong quản lý điều hành
Đánh giá về Nghị quyết 31, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, đây là cơ hội lớn để TP.HCM chủ động khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Theo thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, điểm đáng chú ý nhất của Nghị quyết 31 là việc Bộ Chính trị cho phép “thí điểm các chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển…”.
“Đây là tư tưởng chỉ đạo rất lớn, TP cần tận dụng và phát triển thành tư tưởng chủ đạo một cách chủ động hơn, sẽ gỡ được nhiều vướng mắc trong từng lĩnh vực mà lâu nay vẫn lúng túng vì cơ chế xin - cho”, ông Thành nhận định.
Cũng theo ông Thành, quyền chủ động thuộc về TP.HCM, nhưng vấn đề lớn nhất chính là “dám nghĩ, dám làm” và chọn những vấn đề thí điểm có trọng tâm, trọng điểm, không triển khai tràn lan.
Trước mắt, cần thí điểm ngay các chính sách vượt trội áp dụng vào các dự án lớn, như Vành đai 3, Vành đai 4, các dự án metro, Trung tâm tài chính quốc tế, các vấn đề thiết yếu về nhà ở xã hội, đầu tư cho y tế, giáo dục…
“Lâu nay những dự án đầu tư, công trình trọng điểm của TP bị tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Nay, Bộ Chính trị cho phép thực hiện các cơ chế thiết yếu để xử lý thì mạnh dạn làm. Làm đến đâu, sơ kết đến đó, để rút kinh nghiệm cho những đột phá tiếp theo. Đây chính là vấn đề dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo TP”, ông Thành gợi mở.
Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Nghị quyết 31 cho phép TP.HCM chủ động liên kết vùng, không chỉ để phát triển TP mà còn tạo không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh ĐBSCL…
Theo ông Sơn, TP Thủ Đức chính là cửa ngõ phía Đông của TP.HCM kết nối với 3 tỉnh có nguồn ngân sách và nguồn lực rất mạnh là Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu liên kết tốt với 3 tỉnh này sẽ tạo nên nguồn lực rất mạnh, mang lại lợi thế lớn không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả khu vực Đông Nam bộ.
“Theo tôi, TP.HCM phải xem hướng Đông là hướng chủ đạo để đột phá về chiến lược hạ tầng giao thông với việc đẩy nhanh các dự án Vành đai 3, Vành đai 4. Hướng Đông cũng là hướng rất phù hợp khi TP.HCM đang muốn phát triển TP Thủ Đức thành đô thị thông minh, sáng tạo”, ông Sơn gợi ý.
Cũng theo ông Ngô Viết Nam Sơn, ngoài liên kết vùng, Nghị quyết 31 cũng trao cơ chế chủ động phân cấp, phân quyền hơn cho TP. Tận dụng cơ hội này, TP.HCM cần trao nhiều cơ chế chủ động, tạo điều kiện để TP Thủ Đức phát triển hơn - điều mà TP Thủ Đức đang chờ lâu nay.
Bên cạnh đó, cần chủ động đẩy mạnh các dự án giao thông về phía vùng ĐBSCL, tạo động lực, dẫn dắt khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn.
Còn theo TS. Phan Minh Phụng, Phó trưởng Khoa luật Đại học Công nghệ TP.HCM, với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 chính là “cởi trói” cho TP.HCM trong quản lý, điều hành. Đây cũng là động lực để TP cất cánh, xứng đáng vai trò đầu tàu cả nước, giúp TP theo kịp và xứng tầm với các nước trong khu vực và thế giới.
Cơ hội lớn, trách nhiệm cũng cao hơn
Tuy nhiên, TS. Phan Minh Phụng cũng cho rằng, Nghị quyết 31 là cơ hội cho TP.HCM phát triển, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ.
Cụ thể, Nghị quyết 31 đặt ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cho TP.HCM, nhưng để triển khai thực hiện, đòi hỏi phải có hành lang pháp lý thể chế hóa nghị quyết này thì mới thực hiện được.
“Không có hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và phù hợp; không có kế hoạch chiến lược cho việc quán triệt Nghị quyết 31 thì mọi sự “chủ động, sáng tạo, năng động, đột phá”… sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra, có khi rất dễ dẫn đến sai phạm, chệch hướng.
Thách thức thứ hai, TP.HCM đã có sự đánh giá (về thực lực, thực trạng, thực tế) để có thể sẵn sàng tiếp nhận cơ chế vượt trội chưa? Đã tự tin đảm bảo về hạ tầng đô thị, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, các vấn đề chính trị - xã hội, nguồn lực tài chính, năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập… để vận hành cơ chế vượt trội chưa? Đây chính là những thách thức mà TP cần chủ động thực hiện trước khi triển khai Nghị quyết 31", TS. Phan Minh Phụng nêu vấn đề.
Còn theo thạc sĩ Lê Văn Thành, dù được trao quyền chủ động nhưng thách thức lớn nhất để triển khai Nghị quyết 31 chính là nguồn nhân lực. Điều cần thiết lúc này chính là đội ngũ cán bộ và lãnh đạo TP thể hiện năng lực “dám nghĩ, dám làm”, năng động, sáng tạo mới có thể tận dụng tốt các cơ chế vượt trội từ Nghị quyết 31 mang lại.
Về góc độ này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tin tưởng vào sự năng động của đội ngũ lãnh đạo TP.HCM. Theo ông, Thành ủy với Bí thư Nguyễn Văn Nên là người đứng đầu đã thành công khi còn làm lãnh đạo tại tỉnh Tây Ninh; Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cũng là người từng rất thành công khi còn công tác tại tỉnh Bến Tre.
“Bản lĩnh dám nghĩ - dám làm, năng động - sáng tạo chính là cốt cách xưa nay của chính quyền và nhân dân TP.HCM. Do đó, TP sẽ thành công khi triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội từ Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị”, ông Sơn nói.