Tại “Hội nghị Phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM” ngày 14/12, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên Du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) cho hay, thành phố có 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua, tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết nối với các tỉnh lân cận.

Do đó, địa phương vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy, vừa có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch đường thủy nội địa. 

Còn theo báo của của Sở Giao thông vận tải (GTVT), địa phương này có tới 101 tuyến đường thủy với tổng chiều dài 913km.

Dẫu có tài nguyên du lịch đường thủy lớn nhưng lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ vận tải thủy trong 11 tháng của năm 2022 mới đạt gần 343.000 khách trên tổng sản lượng vận tải 27,7 triệu lượt, tương đương chiếm 1,2% của TP.HCM. Số lượng khách du lịch đường sông giảm dần trong 4 năm qua (gồm cả tác động bởi dịch Covid-19).

 Tổng sản lượng vận tải hành khách, khách du lịch băng đường thủy tại TP.HCM (Nguồn: Sở GTVT) 

“Quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch còn hạn chế. Chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách, du lịch tại TP.HCM”, báo cáo của Sở GTVT nêu.

Đại diện Công ty CP In Holdings cho hay, thành phố có 71 bến thủy nội địa phục vụ đưa - đón hành khách, tuy nhiên chỉ đáp ứng cho ghe, thuyền nhỏ. Trong 5 năm gần đây, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu giao thông đường thủy chỉ chiếm 4,3% so với mức đầu tư đường bộ, khoảng 1.200 tỷ đồng.

Khách tham gia du lịch đường sông chỉ chiếm 2% trong tổng số khách đến TP.HCM, trong đó, khách quốc tế đến du lịch đường sông chỉ chiếm 5% trong tổng lượt khách.

Doanh nghiệp đánh giá, sản phẩm du lịch đường sông chưa ấn tượng, chủ yếu ngắm cảnh, thiếu các dịch vụ bổ trợ như mua sắm, dừng chân tham quan, vui chơi giải trí; chưa có sản phẩm khởi hành định kỳ, chủ yếu là du lịch thuê du thuyền theo giờ, giá khá cao, hoặc theo đơn đặt hàng khách đoàn, chưa phù hợp với nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước.

Mặt khác, địa phương quy hoạch bến tàu nhưng không quy hoạch các khu vực dịch vụ phụ trợ như nhà đón khách, khu mua sắm ăn uống, bãi đậu xe…

Lợi thế đường thủy tại TP.HCM chưa được tận dụng tốt phục vụ du lịch. (Ảnh: Chí Hùng)

Trước những hạn chế trong phát triển du lịch đường thủy, ông Võ Việt Hoà - Giám đốc Khối Du lịch quốc tế, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - kiến nghị, TP.HCM cần liên kết các tổ chức kinh doanh du lịch đường sông, đầu tư bến tàu, cầu tàu, cảnh quan, nhà vệ sinh, khu ăn uống, khu giải trí, mua sắm... dọc sông Sài Gòn và các kênh chính nội đô, trước mắt là một số điểm ưu tiên để thu hút khách du lịch như bến Bạch Đằng, khu vực Cầu Sài Gòn, Bình Quới - Thanh Đa, kênh Nhiêu Lộc...

“Cơ quan quản lý cần ưu đãi, chào mời các hãng tàu sông, các du thuyền (yatch) của cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài đưa tàu thuyền và du khách, gia đình, nhóm bạn bè đến tham quan, du lịch bằng đường thủy”, ông Hòa nói.

Theo Bà Thảo, Sở Du lịch đang tham mưu UBND thành phố có cơ chế quản lý toàn diện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, hoạt động; khai thông luồng, tuyến và công trình cầu chưa đảm bảo cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa,...

Ngoài ra, Sở sẽ đánh giá mức độ khả thi của từng tuyến theo từng giai đoạn, từ đó xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch phù hợp. TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm tạo sự khác biệt, đưa tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 500 tàu, thuyền và du thuyền các loại.