Ồ ạt nhập khẩu, ngành mía đường “hấp hối”
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Một nghịch lý xảy ra với ngành mía đường Việt Nam trong thời gian khá dài: sản lượng đường trong nước dư thừa, nhưng nhập siêu lên đến 884.285 tấn đường vì không còn rào cản thuế.
Niên vụ 2019-2020, diện tích trồng mía tiếp tục giảm 15-20%. Dự báo, niên vụ 2020-2021, nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy lại thiếu hụt. Chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động. Tổng lượng mía nước ta chỉ đạt 5,29 triệu tấn, tương đương 530.000 tấn đường. Hơn nữa, giá đường nội địa Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực.
Tại tọa đàm trực tuyến “Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường” chiều 23/3, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Năng lực sản xuất trung bình của Việt Nam hàng năm đạt 1-1,3 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất chế biến là khoảng hơn 2 triệu tấn.
Hàng loạt doanh nghiệp mía đường phải đóng cửa vì đường nhập khẩu tràn vào Việt Nam |
Theo thống kê của cơ quan Hải quan, giai đoạn 2017-2019, đường nhập khẩu vào Việt Nam đạt 200.000 đến 400.000 tấn. Song, việc bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường để thực hiện cam kết theo Hiệp định ATIGA đã tác động lớn.
Tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2020, đạt hơn 1,5 triệu tấn. Do đó, sản lượng đường sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2019-2020 ép chưa được 900.000 tấn đường so với trung bình trên 1,2 triệu tấn/năm).
Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn - thừa nhận, ngành mía đường Việt Nam những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt sau khi hiệp định ATIGA có hiệu lực. Do ngành mía đường Thái Lan được trợ giá, trợ cấp nên giá đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam rất thấp, giá đường sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi, kể cả các nhà máy đã mua giá mía thấp của bà con nông dân.
Giá mía thấp làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng, từ 300.000 ha diện tích mía cả nước nay chỉ còn dưới 160.000 ha. Từ 41 nhà máy đường nay chỉ còn 29 nhà máy hoạt động cầm chừng, nguyên liệu thiếu trầm trọng chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế. Sản lượng đường sản xuất trong nước từ hơn 2 triệu tấn/năm giờ chỉ còn dưới 1 triệu tấn.
Có “phao cứu sinh” nhưng vẫn lo đường lậu
Trước cơn “hấp hối” của ngành mía đường Việt, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô.
Việc này, theo ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, là đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và luật pháp Việt Nam. Kết quả điều tra đã chứng tỏ có hành vi trợ cấp và bán phá giá, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành đường trong nước khi hơn 50% hộ nông dân trồng mía bị tước quyền sản xuất và 1/3 số nhà máy buộc phải đóng cửa.
“Việc áp thuế chống bán phán giá là sự can thiệp kịp thời, giống như 'phao cứu sinh' xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh của ngành mía đường Việt Nam”, ông Lộc đánh giá.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, do đã bị thiệt hại quá nặng nề nên việc phục hồi sẽ còn rất nhiều gian truân, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành. Theo ông, với mức thuế chống bán phá giá thích đáng, khi ban hành sẽ bảo đảm giá đường, giá mía tương Việt Nam đương các nước trong khu vực, tạo điều kiện để nông dân và các nhà máy đường sớm hồi phục, phát triển trong môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch.
Quyết định áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu Thái Lan giúp giá mía đường trong nước tăng mạnh |
Ông Lê Văn Tam cho rằng, nếu được cạnh tranh sòng phẳng thì ngành mía đường trong nước không thua kém các đối thủ trong khu vực.
Theo ông, đây là điều kiện tốt để từng bước phục hồi lại ngành mía đường trong nước, đặc biệt là vùng nguyên liệu sản xuất mía đường. Khi giá đường được đánh giá đúng với giá trị thực, giá đường tăng, các nhà máy sẽ tăng giá mua mía cho bà con nông dân, người trồng mía yên tâm tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng mía, từ đó từng bước khôi phục lại vùng nguyên liệu.
Thực tế vụ 2020-2021 nhiều nhà máy đã tăng giá thu mua mía cho bà con nông dân. Như Lam Sơn mua mía trước vụ ép là 1 triệu đồng/tấn 10 CCS (chữ đường - hàm lượng % đường có trong mía) tại ruộng, cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn vụ trước 150.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, giải pháp lớn của ngành mía đường là không chỉ làm mía, làm đường mà từ đường làm ra nhiều sản phẩm khác, được thị trường chấp nhận.
Với thị trường, quan trọng nhất là chống buôn lậu. Nếu không cảnh giác, chúng ta còn gặp khó khăn hơn. Buôn lậu có thể thêm nhiều hình thức khác, qua các nước khác, gây nguy hiểm cho giá đường thô, giá đường trắng, khiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn, ông Tam lo lắng.
Ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, cũng cho biết, giá mía hiện tăng từ 100.000-200.000 đồng/tấn, được nhà máy hỗ trợ chi phí vận chuyển, thu hoạch, mía sạch. Theo đó, nông dân lãi 30-50 triệu đồng/ha. Giá đường tăng gần 50%, khoảng trên 4.000 đồng/kg so với năm 2020 (những vụ trước các hộ trồng mía bị lỗ, hòa vốn hoặc có lãi không đáng kể).
Nhưng ông nhận định, để ngành mía đường phát triển bền vững, không bị Thái Lan “thôn tính” và từng bước cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan, đồng thời thực hiện đúng cam kết ATIGA và hội nhập, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, với nhà máy. Ngoài ra, phải ngăn chặn một cách hiệu quả, triệt phá, xử lý nghiêm việc buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là với đường Thái Lan và các nước tuồn vào Việt Nam.
“Ngành mía đường cũng cần khẩn trương tái cơ cấu, đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường... Doanh nghiệp phải sớm hiện đại hóa các nhà máy, đa dạng các sản phẩm, phụ phẩm từ bã mía như điện, phân bón... ”, ông lưu ý.
Tâm An