Đây là nơi có những cơ sở đào tạo được dư luận ví von chẳng khác gì “lò ấp”, cho “nở” số lượng tiến sĩ, thạc sĩ nhiều như người ta ấp trứng gà, từ mấy năm trước.

Trung bình hàng năm Viện Hàn lâm KHXHVN cho ra lò hơn 200 tiến sĩ và hơn 1.000 thạc sĩ

Không ngạc nhiên nhưng lại rất đáng lo ngại vì chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao nơi đây, bởi trung bình hàng năm Viện Hàn lâm KHXHVN cho ra lò hơn 200 tiến sĩ và hơn 1.000 thạc sĩ.

Tốc độ ngang chấm bài thi của học sinh

Những thông tin mà Thanh tra Chính phủ đưa ra sau đây khiến dư luận giật mình.

Theo kết luận thanh tra, nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tại Viện kém chất lượng, trùng lặp hoặc không có đóng góp gì cho khoa học xã hội.

“3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần,...”, kết luận thanh tra chỉ rõ.

Người kế nhiệm Thủ tướng Singapore: Vị lãnh đạo 4GNgười kế nhiệm Thủ tướng Singapore: Vị lãnh đạo 4GXem ngay

Đặc biệt, có những ngày các đơn vị thuộc Viện đạt tốc độ nghiệm thu đề tài khoa học phi mã. Viện Nghiên cứu châu Âu, nghiệm thu từ 15 đến 18 đề tài/ngày; Viện Ngôn ngữ học 13 đến 22 đề tài/ngày; Viện Sử học 7 đến 11 đề tài/ngày.

Những con số nêu trên dư luận không mấy ngạc nhiên khi chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN) đã cho ra lò 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ, tính ra cứ trong khoảng thời gian 1 ngày, lại có 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ “chào đời”.

Năm 2017, tuy chỉ còn 86 chỉ tiêu tuyển sinh cho khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) và VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin...), nhưng Học viện vẫn đăng ký chỉ tiêu tăng gấp hàng chục lần: 435 chỉ tiêu tiến sỹ và 1.600 thạc sỹ.

Với một lượng cực lớn chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như vậy, thì chuyện nghiệm thu đề tài khoa học với tốc độ ngang việc chấm bài thi của học sinh là điều dễ hiểu.

Vấn đề đáng quan tâm và hết sức lo ngại là chất lượng thực sự của “nguồn nhân lực chất lượng cao”, tức những “ông nghè, ông cống” mà Viện Hàn lâm KHXHVN đã “sản xuất” cho đất nước không chỉ thời gian vừa qua (giai đoạn thanh tra 2015-2019) mà còn trong những năm trước mắt.

Theo đó, một “thị trường” khủng đã được phê duyệt, đấy là đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ đến năm 2025 với nguồn kinh phí lên đến 12.000 tỉ, trong khi đề án 911 (phê duyệt năm 2010) với mục tiêu đến năm 2020 đào tạo 23.000 tiến sĩ chưa kết thúc.

Ai dám đảm bảo, với những đề án duy ý chí, đầy tham vọng như thế, lại không tiếp tục xuất hiện những “lò ấp” để lấp đầy chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn “hiền tài” cho quốc gia?

Nguyễn Duy Xuân