1 cam cu.jpg
Hoa cẩm cù trong vườn của chị Hồng Len

“Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”

Vốn là người yêu thiên nhiên, chị Nguyễn Thị Hồng Len (SN 1975, Phú Quốc, Kiên Giang) thích tất cả các loại cây, hoa. Để thỏa đam mê, chị tham gia các nhóm yêu cây cỏ trên mạng xã hội. 

Lần đầu tiên nhìn thấy cây cẩm cù tên lửa, cẩm cù lá vuông từ một cô cùng đam mê chơi cây cảnh, chị đã yêu thích chúng. Đó là năm 2011 và ở Việt Nam chưa nhiều người biết về hoa cẩm cù. 

Niềm đam mê khiến chị lục tung internet để tìm kiếm thông tin về loài cây cảnh khá lạ và đặc biệt này. Càng tìm hiểu thì càng đam mê, hễ rảnh rỗi, chị lại lang thang trên mạng, tham gia các diễn đàn, nhóm chơi cẩm cù trên thế giới. 

Chị chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng cẩm cù từ năm 2011 và bị nghiện nặng loài hoa này. Từ lúc chỉ có thể ngắm hoa, lá của cẩm cù qua mạng internet, tôi đã thuộc tên và hình dáng vài loại cẩm cù phổ biến. Dần dần, tôi nhận dạng được nhiều hơn.

Một lần đi rừng ở Phú Quốc, tôi vô tình gặp cây cổ thụ bị phủ kín bởi một bụi cẩm cù verticillata chi chít hoa, ngào ngạt hương thơm. Tôi đã cắt vài nhánh mang về trồng trong vườn.  

Từ đó, mỗi khi vào TP.HCM, tôi lại đi lùng mua cẩm cù ở các tiệm cây cảnh trong thành phố, tại Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương… Sau này, khi biết ở Thái Lan có nhiều nhà vườn trồng, kinh doanh cẩm cù, tôi lặn lội sang tìm mua cây giống”.

2 cam cu.jpg
Chị Len có gần 500 loại cẩm cù trong vườn nhà

Chị Hồng Len đam mê cẩm cù đến nỗi gác bỏ sở thích đi mua, sắm mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu. Thay vào đó, chị dành hết tiền mua, sưu tầm, bảo tồn cẩm cù. 

Mỗi khi đi du lịch, chị đều đến nơi có rừng rồi dành thời gian để tìm các loài cẩm cù mới. Quá trình tìm hiểu, chị được biết cẩm cù gieo hạt thường ra loại cây mới, có nét khác biệt với cây mẹ.

Thời điểm đó, việc chủ động thụ phấn cho cẩm cù vẫn còn mới lạ đối với giới chơi cẩm cù. Thế nên chị chỉ thu hạt từ những quả được thụ phấn bởi côn trùng ở trong vườn nhà hoặc được bạn bè tặng. 

“Chăm cây mầm cẩm cù còn khó hơn cả chăm con vì chúng khá nhạy cảm, dễ bệnh dù hạt ngay sau khi bung trái thì tỷ lệ nảy mầm khá cao. Để chăm được một cây cẩm cù gieo hạt thành cây trưởng thành ra hoa mất khá nhiều thời gian, công sức. Bù lại, cảm giác trông ngóng xem mặt hoa của chúng là điều rất thú vị”, chị nói.

Sau 13 năm trồng, hiện nay vườn nhà chị có gần 500 loài cẩm cù vừa là cây giống nhập cảnh, vừa là cây bản địa từ các cánh rừng ở Việt Nam, cây gieo hạt…

Vì đam mê, chị trồng cẩm cù khắp vườn nhà. Chúng phủ kín giàn hoa rộng khoảng 200m2, ken đặc trên hàng rào, lối đi ngăn nhà và khu nghỉ dưỡng của gia đình chị.

3cam cu.jpg
Cẩm cù được chị Hồng Len trồng kín vườn, lối đi...

Chị chia sẻ: “Tôi yêu hết những loại cẩm cù trong vườn nhà vì chúng đa dạng về hình dáng thân, lá, hoa và hương thơm… Tất cả những điều ấy tạo cho tôi sự tò mò, đam mê khó tả. 

Cẩm cù chủ yếu có dạng thân leo. Cũng có cẩm cù thân đứng như: Hoya multiflora (cẩm cù tên lửa vì hình dáng hoa như những mũi tên); Hoya densifolia (cẩm cù lá ổi vì lá nhìn giống như lá ổi)… 

Cẩm cù có dạng thân leo nhưng buông rũ xuống như: Hoya lacunosa (cẩm cù gà con lông trắng, cánh hoa có lớp lông tơ mịn như lông gà con), Hoya memoria...

Hương thơm của hoa cẩm cù cũng vô cùng cuốn hút. Chúng có hương hoa sữa, hương gừng, hương trà, chanh, vani, hương hoa thiên lý... Mùi thơm của hoa cẩm cù chỉ thoang thoảng không gắt, vô cùng dễ chịu”.

Trở thành tên của một loài hoa

Mê mẩn cẩm cù, chị Hồng Len thường xuyên luồn những vạt rừng tại đảo ngọc Phú Quốc để tìm loài hoa đặc biệt này. Một lần, người bạn của chị nhặt được vài nhánh cẩm cù từ các thân cây vừa bị hạ để làm đường. Người này đem về cho chị Hồng Len.

Lúc này, chị vẫn nghi ngờ đây là một loại cẩm cù đã có tên và phân bố ở Phú Quốc. Nhưng khi cây lặp lại hoa trên cồi cũ, nhìn nụ chị đoán đây có thể là một loài cẩm cù mới. 

6cam cu.jpg
Hoya honglenae, loài cẩm cù được đặt theo tên chị Hồng Len và cũng là loài hoa đặc hữu của đảo ngọc Phú Quốc

Chị cẩn trọng chụp ảnh lá, nụ, hoa cây rồi gửi cho những người bạn có am hiểu về cẩm cù. Tất cả những người này đều xác nhận đây là loài cẩm cù mới được phát hiện, chưa có tên gọi. 

Sau đó, chị Hồng Len gửi cây mẫu cho nhóm chuyên gia thực vật học Việt Nam để làm hồ sơ đăng ký tên cho loại cẩm cù này. Sau hơn 4 năm chờ đợi, tháng 12/2023, chị nhận thông báo cây cẩm cù nói trên được công nhận là loài mới. 

Nhóm nghiên cứu quyết định lấy tên chị đặt tên cho loài cẩm cù này như một cách ghi nhớ, vinh danh người đã tìm ra và chăm sóc nó. Từ đó, loài cẩm cù mới và là loài hoa đặc hữu của đảo ngọc nói trên có tên Hoya honglenae.

Tình yêu của chị dành cho loài hoa này cũng khiến bạn bè, người thân ngạc nhiên, bất ngờ. Nhiều người khi thấy chị mải mê bên những đóa hoa cẩm cù bé tí hoặc có khi chỉ trơ trụi thân, lá đều lắc đầu, khó hiểu. Thậm chí, có người còn nói chị không bình thường.

4cam cu.jpg
Mỗi khi căng thẳng, chị Hồng Len chỉ cần ra vườn, ngắm nghía chùm rễ, cái lá non, ngọn mới, chùm nụ hay hít hà hương thơm của cẩm cù là sẽ thấy thoải mái, dễ chịu

Thế nhưng, với chị, chỉ cần được ngắm cây ra rễ, nhú chồi non, ra lá mới hoặc ra nụ đã là một niềm hạnh phúc. Do vậy, chị vẫn miệt mài với loài hoa này dù có những cây chị chăm sóc vài năm mới được ngắm hoa, có cây hoa chỉ nở được 1 ngày rồi tàn…

Đặc biệt, chị Hồng Len đam mê việc thuần những cây cẩm cù phân bố khác khí hậu, độ cao. Bởi, đây là những loại cẩm cù khó trồng, chăm sóc nhất.

Chị nói: “Chăm cẩm cù giúp người trồng luyện tập tính kiên nhẫn, tĩnh tâm. Khi căng thẳng, chỉ cần ra vườn, ngắm nghía chùm rễ, cái lá non, ngọn mới, chùm nụ hay hít hà hương thơm của chúng là tôi thấy tinh thần sảng khoái, dễ chịu. 

Cũng nhờ cẩm cù, tôi quen biết, có thêm rất nhiều bạn bè ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Mỗi khi có dịp, tôi tổ chức các buổi gặp mặt giao lưu các thành viên trong Hội Cẩm cù Việt Nam để lan tỏa tình yêu cẩm cù, chia sẻ cây giống, kinh nghiệm chăm sóc loài hoa đặc biệt này đến nhiều người hơn”.

5cam cu.jpg
Không chỉ sưu tầm, chị Hồng Len còn nỗ lực nhân giống, bảo tồn các loại cẩm cù

Suốt 13 năm qua, ngoài việc trồng, chăm sóc cẩm cù, chị Hồng Len luôn nỗ lực bảo vệ, bảo tồn loài hoa này. Mỗi khi thấy người đi rừng khai thác cẩm cù đem bán theo cân, chị rất xót xa.

Lo sợ các loài cẩm cù đặc hữu bị tàn phá, “chảy máu” ra nước ngoài, chị tìm cách bảo vệ. Chị tìm hiểu, nhắn gửi, khuyên nhủ, hướng dẫn người đi rừng cách khai thác cẩm cù đúng cách.

Chị tâm sự: “Bảo vệ, bảo tồn cẩm cù là trăn trở từ lâu của tôi. Khi thấy dân đi rừng rao bán cẩm cù rừng hàng cân là tôi nhắn tin khuyên nhủ, hướng dẫn cách khai thác cho hợp lý.

Cẩm cù có thể trồng bằng cách giâm cành nên tôi khuyên họ rằng khi khai thác nên cắt cành, để lại gốc cho rừng nuôi tiếp. Như thế sang năm, cây phát triển, họ lại có thể khai thác. 

Tôi cũng nói với họ và người đồng bào địa phương đi khai thác cẩm cù là khi rừng cho mình “nồi cơm” mình phải biết bảo vệ, gìn giữ cho rừng. Rất may, một số bạn đã hiểu và làm theo hướng dẫn của tôi”.

Ảnh: Nhân vật cung cấp