Đến nay, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin -Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, có hơn 10 năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng việc làm đến học sinh trước ngưỡng cửa bước qua thời THPT. 

Theo chị Bích, hàng năm công việc vào mùa từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 8 năm sau.

“Dù được xem là nghề cao quý nhưng đôi lúc tôi cảm thấy chẳng khác gì kẻ trộm. Bởi bình minh chưa ló dạng đã rời khỏi nhà, hôm nào đi tư vấn ở đơn vị xa thì đi càng sớm, nhiều lúc di chuyển trên những con đường vắng, tôi vừa chạy xe vừa hát vu vơ cho đỡ vắng”- chị Bích đùa.

{keywords}
Chị Trương Thị Ngọc Bích

Nói về kỷ niệm sâu sắc trong quá trình tư vấn, chị Bích nhớ, trong một lần đang chạy trên đường đi tư vấn thì nghe sau lưng có giọng người đàn ông gọi í ới. Đèn đường chập choạng chị Bích lo lắng không dám ngoái lại. Nhưng càng chạy thì giọng của người đàn ông càng to hơn. Lúc này chị Bích chạy xe chậm lại và không ngờ đó là 1 người đàn ông chở vợ đi từ miền Tây lên thành phố khám bệnh nhưng không biết đường. Họ đi từ giữa khuya, hai vợ chồng chạy trên chiếc xe cà tàng rất đáng thương.

Khi đi tư vấn tuyển sinh có nhiều tình huống khiến chị Bích cười ra nước mắt. Theo chị Bích điều đặc biệt, thầy cô nào tư vấn học thuật quá thì học sinh không quan tâm. Ngược lại thầy cô nào xàm vui dễ gần thì các em tranh nhau hỏi. Có câu hỏi của một học sinh xin “in tư” làm chị Bích ngớ người.

“Tôi hỏi em rằng em hỏi ngành gì, nhưng học sinh vẫn rất nhẹ nhàng dạ, cô có “in tư hoặc in 4”. Nhìn mặt ngớ ngẩn của tôi, em học sinh giải thích: Cô ơi, “in tư” chính là “infor”, tức là thông tin của trường. Kết quả cả sân trường cười ồ trước sự ngớ người của tôi”. 

Đi nhiều và đã tư vấn cho hàng chục nghìn học sinh, theo chị Bích có nhiều câu chuyện éo le cho thấy xuất phát điểm của những bạn trẻ thành công luôn có sự khác nhau, có cả nghịch cảnh, đến mất mát…

Nhớ lại tình huống tư vấn tuyển sinh ở Đồng Nai cách đây không lâu, chị Bích nói đó là một trường học nằm rất xa trung tâm. Học sinh thấy các thầy cô ở thành phố xuống vừa lạ lẫm, vừa vui mừng. Hôm ấy cuối buổi tư vấn gần như tất cả học sinh đã về hết, chúng tôi cũng đang dọn dẹp thì một nữ sinh nhỏ người, da ngăm rất chân chất ở lại nhờ chị tư vấn ngành thiết kế thời trang.

Em kể, cha mất lúc em còn bé còn mẹ lấy chồng nên hiện em ở với ông bà nhưng giờ hai người cũng đã già. Gia đình không có họ hàng, em đi học được thầy cô hỗ trợ học phí nên gắng học cho hết THPT rồi về nhà làm công nhân. Em dự tính làm công nhân may và sẽ phấn đấu theo đuổi ngành thiết kế thời trang. “Gia cảnh nghèo của em cứ làm tôi nhớ mãi, đặc biệt tôi không quên sự quyết tâm trở thành nhà thiết kế, thật đáng khâm phục cho ý chí” của em.
 
Một tình huống khác được chị Bích lưu tâm khi tư vấn cho học sinh tại TP.HCM. Xu hướng những năm gần đây khi đi tư vấn là đều nhắc tới “công nghệ 4.0” và gần như trả lời cho học sinh đều kèm theo thông điệp chính này. Thế nhưng hơn 500 học sinh lớp 12 của một trường THPT lại ngơ ngác với một khái niệm xa vời đấy. Chỉ đến lúc một bạn nữ sinh lớp 11 mạnh dạn đặt câu hỏi, thầy cô tư vấn cho học sinh một khái niệm mà tụi em chưa biết khi nào nó đến. Đơn cử như học ngành tiếng Anh phiên dịch, nếu 4.0 đến, máy móc thay thế các công việc, thì những người làm nghề dịch tiếng Anh đâu cần nữa, sinh viên ra trường sẽ thất nghiệp đúng không?

“Lúc này chúng tôi im phăng phắc, quả thật tư vấn mà không chỉ bảo đến nơi đến chốn cũng làm học sinh hoang mang. Khi nói về xu thế mà chúng ta chưa hiểu rõ về nó quả là nguy hại cho thế hệ tương lai. Cái đáng tiếc là tôi cũng như quý thầy cô lúc đó không nghĩ được 4.0 thời kỳ đầu đã thành hiện thực bởi dịch Covid-19 suốt hai năm qua. Cụ thể là chuyển đổi số và các hình thức học, làm việc online”- chị Bích tâm tư. 

Theo chị Bích, lúc đó để góp phần “chữa cháy”, chị đã đưa ra vài lý thuyết trấn an học sinh bằng những kiến thức khá cảm tính như xã hội phát triển, công nghệ tiên tiến, việc máy móc thay thế con người là không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu học ngành tiếng Anh, theo hướng biên phiên dịch thì tương lai công việc trong 5-10 năm tới vẫn làm được. Một số lĩnh vực máy dịch thuật hay các phần mềm khó thay thế con người vì điểm khác lớn nhất con người là giống loài làm việc có cảm xúc, điều này máy móc không có!

“Với tôi, đây không chỉ là một câu trả lời cho xong, mà đây còn là sự đồng cảm cho những suy nghĩ đau đáu của thế hệ tương lai về nghề nghiệp. Đâu đó vẫn còn những người trẻ giàu nghị lực, giỏi giang và mạnh dạn tiến lên làm chủ bản thân” – chị Bích cho hay.

Theo chị Bích, nghề tư vấn tuyển sinh khá thú vị, đi nhiều nơi, nói chuyện giáo dục, chuyện xã hội nhưng từ tận tâm tư của mỗi thầy cô chỉ mong làm sao có thể với niềm tin mà các em học sinh tin tưởng gửi gắm có thể giúp các em chọn được một nghề nghiệp phù hợp với sở thích, đam mê và hoàn cảnh của bản thân. Quan trọng hơn là các em có cách sống tích cực và đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

Nhưng cái lạ là không nơi nào đào tạo. Người thành công trong nghề này chính là ở cái tâm, sự đồng cảm và sự định hướng sáng suốt cho thế hệ trẻ. Nghề của sự hiểu người, hiểu hoàn cảnh xã hội để giúp các lứa học sinh rời mái trường THPT đến với một môi trường rèn người, rèn đức, rèn bản thân tốt nhất.

Minh Anh

Cách tránh 'loạn' trước hàng chục phương thức tuyển sinh đại học

Cách tránh 'loạn' trước hàng chục phương thức tuyển sinh đại học

Có khoảng hơn 10 phương thức xét tuyển đã được các trường đại học công bố cho mùa tuyển sinh năm 2022. Phương thức ngày càng đa dạng, song cũng vì vậy, thí sinh nếu không biết cách lọc thông tin sẽ dễ rơi vào cảnh rối như tơ vò.