Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bình luận rằng những người đã chiếm quyền tại Kiev đã muốn làm hỏng mối quan hệ giữa phương Tây và Nga.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Trong cuộc họp báo giữa ông Lavrov và người đồng cấp Tây Ban Nha tại Paris, ông Sergei Lavrov nói rằng giả thiết về việc chính quyền mới thành lập tại Ukraina muốn đổi gói viện trợ kinh tế để đặt các lá chắn tên lửa của Mỹ trông rất có vẻ như là một nỗ lực nhằm làm hỏng mối quan hệ giữa phương Tây và Nga.

{keywords}
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: RT

Mặc dù Ngoại trưởng Nga cho biết Kremlin chưa từng nghe về trao đổi này, nhưng Đại sứ Ukraina tại Belarus là Mikhail Ezhal đã đề cập rằng một ý tưởng như vậy đang được bàn thảo.

“Nếu như điều này là đúng, thì chúng ta lại có thêm một ví dụ khác mà những đối tác phương Tây của chúng ta hoàn toàn có thể thấy rõ rằng, những người đã chiếm Verkhovna Rada đang tìm cách đánh bạc với mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, và đồng thời gây ra xích mích trong mối quan hệ này khi thừa nước đục thả câu” – ông Lavrov nói.

Ông Lavrov nói rằng cách hành xử này không nghiêm túc và rằng ‘các đồng sự phương Tây của chúng tôi quá hiểu những cuộc chơi kiểu này’.

Phát biểu với người đồng nhiệm Tây Ban Nha, ông Lavrov cho biết Kremlin không hề ra lệnh cho các lực lượng tự vệ tại Crưm chiếm quyền kiểm soát trên bán đảo này những ngày qua.

“Còn về phần các quân nhân tại Hạm đội Biển Đen, họ vẫn đang ở các khu vực triển khai thường trực” – ông Lavrov nói thêm.

Ngoại trưởng Nga cũng nói rằng các bên liên quan cần có sự đồng thuận để cho phép các quan sát viên nước ngoài tới Crưm.

Ông Lavrov cũng nói rằng ví dụ tiêu cực tại Ukraina có thể lây lan đi khắp nơi, do đó cần loại trừ ‘các tiêu chuẩn kép’ khi đánh giá tình hình chung.

Trong khi đó, Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk đã bác bỏ nghi vấn Kiev đàm phán với Mỹ để triển khai lá chắn tên lửa đổi lấy viện trợ tài chính.

Trong một diễn biến khác, sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Paris chiều nay, các đại diện ngoại giao của Anh, Pháp, Đức, Nga và Mỹ sẽ thảo luận cụ thể về gói cứu trợ kinh tế cho Ukraina.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu vừa đề xuất sẽ hỗ trợ cho Ukraina 11 tỉ euro, tương đương 15 tỉ USD để giúp nền kinh tế nước này trong bối cảnh nợ nước ngoài quá lớn.

Gói cứu trợ này sẽ được cung cấp trong vòng 2 năm từ ngân sách của Liên minh châu Âu và các thể chế tài chính quốc tế của EU.

“Ưu tiên cấp thiết nhất đối với EU lúc này là mang lại một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay mà vẫn tuân thủ đầy đủ luật quốc tế” – Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso cho biết.

Lê Thu (theo RT/Itar-Tass/AP)