Chùa Hang nằm trên núi Sam ở TP Châu Đốc, An Giang. Nơi đây có cảnh quan thanh tịnh, cổ kính cùng nhiều huyền thoại lưu truyền, thu hút người dân và du khách thập phương. Chùa Hang còn được biết đến với tên gọi là Phước Điền Tự, trong đó "Phước" là phước lành, "Điền" nghĩa là ruộng, hiểu nôm na là mảnh đất gieo trồng những điều thiện lành. 

Nằm trong cụm 4 di tích được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia của khu vực núi Sam, chùa Hang nổi lên với vẻ đẹp trang nghiêm, thanh tịnh nhưng trữ tình, nên thơ (Ảnh: Henry Dương)

Chùa được xây dựng men theo triền núi Sam nổi tiếng linh thiêng của thành phố Châu Đốc. Để lên chùa, du khách đi qua hàng trăm bậc thang được tạo từ các khối đá lớn xếp chồng lên, cao dần. 

Người dân núi Sam vẫn truyền nhau câu chuyện truyền thuyết về sự ra đời của chùa Hang. Tương truyền, chùa Hang do bà Thợ, pháp danh Diệu Thiện (tên thật là Lê Thị Thơ, sinh năm 1818, mất năm 1899) lập nên. Do gặp cảnh đời ngang trái, từ trẻ, bà Thợ nương nhờ cửa Phật tại Tây An tự. Sau thời gian tu tại chùa Tây An, do nơi này có nhiều người lui tới nên bà đi tìm nơi yên tĩnh, vắng người tu hành.

Bà Thợ đi về phía Tây núi Sam, bà gặp một hang sâu, rậm rạp cây cối nên ở lại dựng am bằng tre, lá làm nơi tu hành. Bên trong hang có đôi mãng xà to, từ khi bà đến tu hành, hàng ngày cặp mãng xà được nghe kinh Phật trở nên hiền lành, ăn đồ chay, không hại người, trông chừng thú dữ, kẻ gian.

Bà Thợ đặt tên cho cặp mãng xà là Thanh Xà, Bạch Xà. Khi bà qua đời, cặp rắn này bỗng dưng biến mất. Sau đó để tránh nguy hiểm, hang được lấp kín chỉ còn lối đi vào cửa, sâu khoảng 10 m, bên trong thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát.

Năm 1885, cảm mến sự đức độ của sư nữ Diệu Thiện, ông Phán Thông (tên thật là Nguyễn Ngọc Cang) cùng nhân dân quanh vùng góp tiền của, xây dựng chùa với nền lát gạch tàu, mái ngói, cột gỗ căm xe... mang tên Phước Điền tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Hang. Từ năm 1937 đến nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu và xây dựng.

Chùa Hang đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng (Ảnh: Henry Dương)

Khuôn viên chùa có 44 điểm tham quan như: Chánh điện, đường hang dũng mãnh, hồ liên trì hải hội, sân tiên, tàng kinh các... Chùa có bố trí bản đồ hướng dẫn để du khách tham quan tiện lợi.

Các công trình ở chùa được thiết kế hài hòa với tông nâu đỏ, lợp ngói ống, cột, mái chạm khắc tinh xảo, lối đi được lát đá theo bậc thang thuận tiện di chuyển (Ảnh: Henry Dương)

Theo Dương Nhựt Long (Henry Dương, làm việc tại TP.HCM), một bạn trẻ đam mê du lịch: "Mình là người con An Giang, biết tới chùa Phước Điền đã lâu nhưng mình chưa có dịp ghé thăm. Ngôi chùa hớp hồn mình bởi quang cảnh thanh tịnh, an yên trong những tấm ảnh chụp và một phần tò mò về câu chuyện đôi rắn thần khổng lồ", Long chia sẻ.

Bước chân tới chùa, Nhựt Long bị ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính. Ngôi chùa nằm nép mình trên triền núi, bao quanh là những cây cổ thụ xanh tốt, tách biệt khỏi cuộc sống hiện tại bên ngoài, khiến du khách cảm thấy thảnh thơi, quên hết muộn phiền.

Tại chùa Hang có nhiều góc chụp ảnh rất ấn tượng (Ảnh: Henry Dương)

Chùa nằm trên triền núi Sam nên đón gió mát lành. Từ đây du khách có thể ngắm nhìn cảnh quan đồng ruộng biên giới An Giang một màu xanh ngắt. Du khách tới thăm chùa nên chú ý lựa trang phục phù hợp, tránh mang giày cao gót do cung đường di chuyển gồm nhiều bậc thang. 

Hiện nay, những ngày cuối tuần, lễ, Tết, ngôi chùa đều đón khá đông khách du lịch.

Cánh đồng bao la phía trước chùa (Ảnh: Henry Dương)