Đi chợ, đi siêu thị trên di động
Grab mới đây tung ra thử nghiệm dịch vụ GrabMart tại TP.HCM, cho phép khách đặt mua các loại thực phẩm thông qua ứng dụng này. Chẳng hạn, người dùng có thể xem hàng hoá do Co.op Food cung cấp, lựa hàng, sau đó đặt mua qua ứng dụng Grab. Nhân viên Co.op Food nhận đơn trực tiếp từ khách, chuẩn bị hàng, tài xế Grab chỉ việc tới lấy hàng giao cho khách.
Chi phí giao hàng được tính tương tự GrabExpress, tức 15.000 đồng/2km đầu, 5.000 đồng mỗi km tiếp theo. Phí thay đổi lộ trình là 5.000 đồng mỗi km thay đổi.
Như vậy để mua hàng trên GrabMart trong quãng đường bán kính 2-5km thì người dùng phải trả phí giao hàng là 15.000-40.000 đồng.
Nhiều người gọi đây là dịch vụ đi chợ giúp nhưng trên thực tế dịch vụ này được nâng lên một bậc. Thông thường, khi người dùng đặt mua hàng trên một ứng dụng, tài xế của ứng dụng đó nhận đơn và đến cửa hàng để mua đồ như một khách bình thường, sau đó mang hàng giao lại cho khách.
Dịch vụ mới của Grab tích hợp hệ thống với cửa hàng, do đó đơn hàng sẽ được chuyển thẳng đến đối tác để soạn hàng sẵn, tài xế chỉ việc đến lấy đồ giao cho khách. Việc này giúp tiết kiệm thời gian giao, tiết kiệm thời gian cho tài xế, minh bạch tài chính hai bên,...
Trước Grab, nhiều bên đã triển khai dịch vụ tương tự, như NowFresh, Now Mart (của Now/Foody), hay Be Đi Chợ (Be Shopping), Lomart (của Loship).
Các dịch vụ được cung cấp ở trên cũng khá tương tự với GrabMart, cho phép mua hàng hoá tiêu dùng. Trong đó, Loship và Now xây dựng được các đối tác chính thức tương tự GrabMart, phần còn lại là các cửa hàng mà tài xế sẽ đến để mua hộ chứ không phải đối tác được xác nhận.
Trước khi ra GrabMart, Grab cũng thử nghiệm giới hạn Grab Assistant, dịch vụ đi mua sắm hộ người dùng. Theo đó, người dùng có thể nhờ tài xế mua hộ các loại hàng hoá như thực phẩm, quần áo, hàng tiêu dùng,... tương tự như Be Shopping.
Thúc đẩy mua hàng online, mua sắm không dùng tiền mặt
Với những tiện lợi do GrabMart và các ứng dụng khác đang cung cấp, cùng với xu hướng mua hàng online trên các kênh thương mại điện tử, chắc chắn hành vi tiêu dùng của người dân sẽ thay đổi, nhất là trong bối cảnh mọi người đang được khuyến khích mua hàng qua mạng.
Chị Uyên (Tân Bình, TP.HCM) cho biết thường xuyên mua hàng tiêu dùng online của Bách hoá Xanh, GrabFood, Now,... và mua sắm trên các trang thương mại điện tử.
“Tôi thường mua ở những nơi có khuyến mại, ví dụ miễn phí tiền vận chuyển chẳng hạn. Ngoài ra, tôi thích mua ở những nơi có nguồn hàng dồi dào”, chị Uyên cho biết. Chị thường mua online đồ khô ở Bách hoá Xanh nhưng lại mua thịt cá ở các kênh khác, do chuỗi bán lẻ này chưa bán hàng tươi sống. Chị mong muốn có một nơi tập hợp nhiều hàng hoá nhất có thể để tiết kiệm thời gian mua sắm.
Khi vào xem thử các đối tác của GrabMart, hiện có hai chuỗi siêu thị lớn là Co.op Food và BigC, ngoài ra còn vài cửa hàng trái cây, thịt,... Nhìn chung có thể bao quát được các loại hàng hoá thiết yếu, tuy nhiên số lượng cửa hàng đối tác như vậy còn quá ít để tạo nên một cú chuyển biến lớn.
Grab cho biết sẽ mở rộng thêm các cửa hàng đối tác, và có thể mở rộng ngành hàng, không chỉ có thực phẩm.
Chắc chắn với lượng người dùng đứng đầu các ứng dụng gọi xe như hiện nay, cộng với tiềm lực lớn, Grab có thể sẽ tạo được thói quen tiêu dùng mới cho khách hàng, hướng đến tiêu dùng online nhiều hơn, hạn chế dùng tiền mặt.
Trước khi Grab nhảy vào, Now đã làm rất tốt khi cung cấp đầy đủ dịch vụ mua hộ như Now Mart hay Now Fresh, với lượng đối tác khá lớn. Ứng dụng này cũng xây dựng được đội ngũ đối tác có liên kết hệ thống để mua hàng tiện lợi hơn.
NowFresh ra đời từ năm 2018, cung cấp dịch vụ cho người dân thành thị ở TP.HCM và Hà Nội. Trả lời ICTnews, ông Yên Đào - Giám đốc Marketing, Foody - cho biết có sự gia tăng đơn hàng của NowFresh trong vòng hai năm triển khai dịch vụ. Ngoài ra, bên cạnh hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng, người dùng Now có thể thanh toán qua ví điện tử AirPay, thẻ tín dụng, thẻ ATM hoặc tài khoản ngân hàng online, giúp thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số cho nền kinh tế.
Đại diện Now cho biết người tiêu dùng Việt vốn có thói quen tự lựa chọn sản phẩm và hàng hoá từ nhiều năm trước đây nên các nền tảng online gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, cùng với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng và mua sắm hàng hoá trong nhiều năm gần đây, cộng với việc ra đời những cửa hàng thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng đang góp phần tạo niềm tin và khiến cho mọi người yên tâm hơn với việc đi chợ online.
“Cùng với xu hướng phát triển của các mô hình chuỗi, mô hình thực phẩm sạch nguồn gốc rõ ràng và thói quen mua sắm trực tuyến của nhóm người tiêu dùng thế hệ Y và Z, Foody sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển và gia tăng hỗ trợ tiện ích cho người dùng”, ông Yên cho biết.
Với một hệ sinh thái nhiều ứng dụng tham gia, việc mua bó rau, con cá trên ứng dụng chắc chắn sẽ dễ dàng hơn trong thời gian tới.