Đến ngôi nhà có tuổi thọ trên 115 năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự hoàn hảo của kết cấu bộ khung cũng như nội, ngoại thất nơi đây.
Đó là ngôi nhà cổ của ông Lê Minh Tồn, sinh năm 1942 (ngụ ấp Tây, xã Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp), cháu đời thứ tư của ông Lê Văn Nhẫn (nhiều người gọi là Cả Nhẫn) - người đứng ra xây cất ngôi nhà này.
Toàn cảnh ngôi nhà |
Bác Tồn cho biết, kiểu nhà này dân gian gọi là nhà chữ đinh trăm cột, vì có 100 cây cột đỡ mái ngói. Đã có 6 thế hệ sống trong ngôi nhà này. Mọi người đều trên thuận dưới hòa, cùng nhau gìn giữ, bảo quản nhà cổ. Do nhà đẹp, cổ kính và mát mẻ, nên đã không ít lần các đoàn cải lương, quay clip âm nhạc mượn cảnh ngôi nhà để thực hiện. Về ngoại thất, mặt chính nhà quay về hướng đông bắc, quanh nhà có sân rộng dùng để phơi lúa, bột. Ngôi nhà là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc về nhà ở miệt vườn Nam bộ. Mái lợp ngói âm dương. Hàng hiên liền nhau suốt dọc nhà trên và nhà dưới tạo thành một mảng dài ở mặt chính. Mặt bằng nhà được chia thành hai bộ phận nhà trên và nhà dưới theo kiến trúc nhà chữ đinh.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nhà cổ chữ đinh trăm cột này có kết cấu bộ khung vững chãi, các cột được làm bằng gỗ căm xe thân tròn to khỏe, xếp hàng song song theo chiều dọc và chiều ngang đứng chịu lực, ráp mộng khít khao với thân kèo, đòn tay. Trên các bao lam, cửa, hoành phi, liễn đối trang trí những đồ án thể hiện nhiều nội dung đề tài như: tứ thời (xuân, hạ, thu, đông), chim muông, hoa lá, tích sử, cảnh vật trời mây hữu tình,... lồng ghép những ý tưởng, ước muốn có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc của cư dân nông nghiệp nói chung và của gia chủ nói riêng. Dù thời gian sử dụng đã trên 100 năm nhưng đến nay bộ khung vẫn còn vững chãi, một phần nhờ vào kỹ thuật ráp nối của người xưa, phần nữa là nhờ vào ý thức bảo quản của các thế hệ chủ nhân ngôi nhà. Tất cả gần như được bảo vệ nguyên vẹn, từ tán kê chân cột đến bộ khung: cột, kèo, đòn tay, rui, mè... đều được sơn, lau chùi bóng loáng cẩn thận. Điều đặc biệt là thân kèo chế tác theo kiểu kèo tam đoạn, mỗi đầu kèo là một đồ án trang trí, thể hiện nội dung đề tài khác nhau, đầu đoạn kèo dưới, có dạng mái chèo, phía trên vót lên như hình đầu chim phượng. Trên mỗi đồ án trang trí chạm nổi chim thú, hoa lá, cảnh vật, trời mây.
Bên trong ngôi nhà có không gian rộng rãi thoáng mát, đem đến cảm giác dễ chịu cho người ở. Những mảng trang trí, dụng cụ sinh hoạt, đồ thờ đều là những vật dụng có giá trị về kinh tế, lịch sử và văn hóa. Tất cả đều được bố trí sắp xếp ngăn nắp, lau chùi sạch sẽ, thể hiện ý thức gìn giữ, bảo quản của gia chủ rất cao. Sự lộng lẫy và hiện vật phong phú bên trong nội thất của ngôi nhà này đã làm cho những ai có dịp đến đây đều phải trầm trồ... Phần trang trí nội thất, đầu tiên là phần hiên nhà, khoảng giữa cột hàng ba gian bìa đặt hai bộ ngựa gõ dày. Trên trần ở gian giữa treo bức hoành phi bằng gỗ nền thếp nhũ vàng chạm nổi chữ Hán theo dạng đại tự, phiên âm là: Hòa Dong, tạm dịch là hòa hợp và khoan dung. Bên trái, phía trước nhà dưới đặt bộ trường kỷ để trà nước tiếp khách hàng ngày. Bước qua ngạch cửa nối liền với phần hiên (từ cột hàng nhì trở vào) mặt tiền của nhà trên là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên. Nhà dưới dùng để bố trí phòng ngủ và vật dụng sinh hoạt của gia đình. Mặt chính và cửa của nhà trên và nhà dưới được làm bằng gỗ, lắp đặt liền mí với nhau. Cửa có song hình con tiện, bản gỗ (thượng song hạ bản) viền ô chạm khắc hoa lá, dây leo, hoa quả... mang ý nghĩa sung túc và hạnh phúc. Ở chính diện, mỗi khung cửa và bao lam bố trí ở từng gian có nội dung trang trí và hình thức thể hiện phong phú riêng biệt.
Nội thất bên trong ngôi nhà |
Không gian mặt tiền (từ cột hàng nhất mặt hậu trở ra) là nơi trang trọng nhất. Ở đây được trang hoàng lộng lẫy với việc sắp đặt bài trí các nơi thờ phượng, bàn ghế, tranh liễn, đèn trang trí đều có thể xếp vào dạng cổ vật, được chạm khắc cẩn ốc xà cừ tinh tế lộng lẫy, có giá trị mỹ thuật và kinh tế cao. Có thể nói ngôi nhà này là “Từ đường” của tộc họ với sự quy tụ thờ cúng nhiều thành viên của tộc họ, không gian thờ cúng ở đây được bày trí khít khao nhưng không kém phần ngăn nắp và tôn nghiêm. Các tủ thờ đa số thuộc vào loại tủ cổ, trừ một chiếc nằm ở góc phải. Dụng cụ thờ tự gồm lư, chân đèn, hạc, đèn bình hoa, mâm bồng, tất cả đều thuộc loại cổ vật. Đặc biệt, lư trong bộ ngũ sự ở mỗi bàn thờ có hình dáng khác nhau như: lư mắt tre, lư lục giác, lư tròn, lư hộp vuông. Việc bài trí không gian thờ cúng ở gian mặt tiền của ngôi nhà này thể hiện tính trân trọng của gia chủ đối với ông bà tổ tiên. Sát 2 chân cột hàng nhất chính giữa, mỗi bên đặt 2 chiếc ghế (dạng cổ). Trên mỗi cột hàng nhất đều có tranh liễn cẩn ốc xà cừ về các tích truyện. Trần nhà còn có treo hai chiếc đèn trang trí, một là đèn chùm của Châu Âu sản xuất, hai là đèn lồng rất đẹp, chúng sẽ được thắp sáng mỗi khi gia đình có dịp tổ chức lễ bái tiệc tùng.
Nói về công tác giữ gìn, bảo tồn ngôi nhà cổ chữ đinh trăm cột, anh Lê Tấn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, trên địa bàn xã chỉ có ngôi nhà cổ này là nguyên thủy, một số ngôi nhà cổ khác nhỏ hơn rất nhiều, kiến trúc không bì bằng, những vật trong nhà cũng mất hoặc bán đi chứ không còn nguyên vẹn như nhà bác Tồn đang ở. Địa phương cũng đã báo cáo về Phòng Văn hóa Thông tin huyện để đến khảo sát nhà cổ này. Thiết nghĩ, để nhà cổ được tồn tại lâu dài, ngành chức năng cần có những nghiên cứu sâu về kiến trúc nhà cũng như sớm có phương án bảo tồn phù hợp.
(Bài viết có sử dụng một phần tư liệu của tác giả Đặng Văn Hùng - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh).
(Theo Đồng Tháp Online)