Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ chiều tối 1/7, liên quan đến hỗ trợ đối tượng là người lao động tự do trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành, Bộ trưởng LĐ - TB - XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là đối tượng bị ảnh hưởng sâu của dịch Covid-19 nhưng cũng là đối tượng khó triển khai nhất.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung |
"Thực tiễn vừa qua triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ thấy rằng, nếu ban hành một chính sách cụ thể và Chính phủ đứng ra để hỗ trợ ngân sách cho nhóm này là khó khả thi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Do đó, Chính phủ giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện và khả năng ngân sách của mình để chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ cho người lao động tự do (người bán vé số, xe ôm, nhặt ve chai, bán hàng rong...) theo mức sàn thấp nhất là 1,5 triệu đồng/tháng hoặc 50.000 đồng/người/ngày.
Cắt giảm 2/3 thủ tục
Đối với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 giải ngân chưa hết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng số các chính sách hỗ trợ từ khi có đại dịch Covid-19 đến nay ước tính khoảng 160 nghìn tỷ đồng. Trong đó riêng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số từ ngân sách nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác khoảng 39.000 tỷ đồng (riêng ngân sách nhà nước hỗ trợ 13.000 tỷ đồng).
“Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chạy song song với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 chỉ là ngắn hạn và đến 31/12/2020 tất cả các chính sách của Nghị quyết này đã hết hiệu lực. Tiền còn lại đã chuyển sang sử dụng cho những công việc khác”, Bộ trưởng thông tin.
Để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận gói hỗ trợ này dễ dàng, Nghị quyết 68 đưa ra nguyên tắc bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Cùng với đó là xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.
"Các thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ này được đơn giản 2/3 so với gói hỗ trợ trước đó", Bộ trưởng LĐ - TB - XH khẳng định.
Theo Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.
Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Mời bạn đọc xem toàn văn Nghị quyết 68 TẠI ĐÂY
Thu Hằng - Trần Thường
26 nghìn tỷ hỗ trợ hàng triệu người khó khăn, thất nghiệp do Covid-19
Giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, nghệ sỹ và nhiều đối tượng khác thất nghiệp, gặp khó khăn do dịch sẽ được hỗ trợ với mức cao nhất 3,71 triệu đồng/người.