Nhiều năm nay, người dân ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã quen với hình ảnh đoàn người đi trên xe lăn khắp các nẻo đường nhặt từng chai nhựa, bao bì nilon ở các ngõ hẻm mang về tái chế.

Họ là những người khuyết tật ở ngôi nhà chung Vườn tái chế NNC.

W-tai-che-1-1.jpg
Vườn tái chế NNC. Ảnh: Diễm Phúc

Cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 20km, Vườn tái chế NNC nằm lọt thỏm trong một góc vườn ở xóm 3 (thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn). Nơi đây, được xem như là mái nhà thứ hai của những người khuyết tật.

Tại đây, người khuyết tật được tiếp thêm động lực bỏ qua rào cản khiếm khuyết, thỏa sức thể hiện đam mê của bản thân. Họ được sáng tạo và làm ra nhiều sản phẩm độc đáo, hữu ích góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.

W-tai-che-3-1.jpg
Thùng đựng rác làm từ thùng phi cũ. Ảnh: Diễm Phúc

Vật liệu phế thải như nhựa, túi nilon, vải vụn, qua đôi bàn tay khéo léo của những mảnh đời khiếm khuyết đã trở thành vật dụng hữu ích cho cuộc sống.

Biến chai lọ, vải vụn thành những sản phẩm độc đáo

Khu vườn này được hình thành từ ý tưởng của bà Nguyễn Thị Thanh Nga (61 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Khuyết tật Nguyễn Nga - NNC).

W-tai-che-7-2.jpg
Anh Phan Huỳnh Anh Toan tái chế sản phẩm từ những lon nước cũ. Ảnh: Diễm Phúc

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ, ý tưởng hình thành Vườn tái chế bắt nguồn năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành.

Khi đó, bà nhận thấy số lượng bì nilon, hộp đựng đồ ăn làm từ xốp, các loại chai nhựa… thải ra môi trường khá nhiều nên đã lên mạng tìm hiểu về tác hại của các loại rác thải. Từ đó, bà bắt tay vào hạn chế rác thải như thực hiện đi chợ không túi nilon, mua sắm mang túi theo đựng.

Sau đó, bà cùng các thành viên trong chi hội NNC suy nghĩ về cách làm “cuộc đời thứ 2” cho những loại rác thải này.

“Kết hợp cùng với ý nghĩ cho người khuyết tật được gần gũi với thiên nhiên nên chúng tôi đã tìm ra khu đất này và hình thành nên Vườn tái chế NNC để cho các em được thoả sức sáng tạo tái chế rác thải, từ đó lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Và chúng tôi đã bắt tay vào làm từ những việc nhỏ nhất”, bà Nga chia sẻ.

tai che 11.jpg
Bản đồ Việt Nam được làm từ ống hút cũ. Ảnh: Diễm Phúc

Vườn tái chế NNC rộng hơn 2000m2 với nhiều khu như vườn rau, giao lưu âm nhạc… Trong đó có hai khu tái chế rác thải nhựa, giấy, thuỷ tinh và khu tái chế vải vụn.

Các rác thải nhựa, giấy, thuỷ tinh được các thành viên trong Vườn tái chế NNC thu gom từ các tuyến đường trong thôn, xã mỗi tuần một lần. Sau đó, họ nghiên cứu và chế tạo nên các sản phẩm độc đáo như xe, chuông gió, hình động vật.

tai che 123.jpg
Khu tái chế vải vụn. Ảnh: Diễm Phúc

Anh Phan Huỳnh Anh Toan (34 tuổi, quê thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, anh bị thương tật hai chân từ nhỏ. Khoảng 10 năm trước, anh thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của một trường tại TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ học xong năm nhất, anh bỏ giữa chừng vì sợ làm gánh nặng của gia đình.

Sau đó, anh được đưa đến sống tại mái ấm chung dành cho người khuyết tật do bà Nguyễn Thị Thanh Nga làm chủ.

tai che 122.jpg
Những sản phẩm độc đáo làm từ vải vụn. Ảnh: Diễm Phúc

Kể từ khi có vườn tái chế, anh rất thích thú tham gia chế tạo những sản phẩm từ các vật liệu bỏ đi như xe, thuyền. Anh nói "ở đây mình có cơ hội làm ra những sản phẩm theo sự sáng tạo của bản thân, làm ra những đồ vật theo ý mình thích. Bên cạnh đó còn góp phần bảo vệ môi trường và lan toả điều này ra cộng đồng, rất có ý nghĩa…”.

W-tai-che-136-1.jpg
Tiếp thêm động lực cho trẻ em khuyết tật. Ảnh: Diễm Phúc

“Khi các em về vườn tái chế, tôi chỉ mong muốn các em được hoà mình với thiên nhiên, được tự học làm nên những sản phẩm khiến các em tự hào là mình có thể làm được. Và đặc biệt, học sinh và người dân khi đến với vườn sẽ biết được việc làm tái chế, từ đó nâng cao nhận thức góp phần bảo vệ môi trường”, bà Nga chia sẻ.