Mệt đầu lúc tuổi già

Ông Vũ Văn Thể (73 tuổi, quê Mỹ Hào, Hưng Yên) chia sẻ: Vất vả với đồng ruộng bao năm chẳng sao, con cái cũng yên bề gia thất và lập nghiệp trên thành phố. Ở quê hai ông bà có mấy sào ruộng, mảnh vườn với cái ao nên tự cung tự cấp và nuôi sống được nhau mà chẳng vướng bận gì tới các con.

Những tưởng cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay thì bỗng dưng đường cao tốc được nhà nước mở chạy ngay trước nhà. Nhà nước lấy đất ao và vườn rồi đền bù cho vợ chồng ông mấy tỉ bạc. Bỗng dưng có tiền, các con vốn trước chẳng mấy khi tơ hào thậm chí còn thậm thụt mang tiền về biếu bố uống rượu thì nay về xin. 

anh 2.jpg
Mưu sinh để tích lũy khi về già không phiền đến con cháu là tâm lý chung của người cao tuổi nông thôn khi không có lương hưu. 

“Đứa thì nói vay để lấy vốn làm ăn, năm nay khó khăn bỗng dưng đống tiền “trên trời rơi xuống” của bố mẹ là cứu cánh cho nó. Đứa con gái thì nói thẳng cho xin vài trăm, mua lấy cái ô tô đi cho bằng bạn bằng bè. Ba đứa con (2 trai, 1 gái) vốn chẳng mấy khi tranh giành nhau thì nay lại muốn bố mẹ chia đều, hoa thơm mỗi con xin một ít. Đáng ra điều này là đương nhiên, tiền bạc thì cũng dành cho con cháu, thế nhưng sự đời không đơn giản”, ông Thể mở lời.

“Hơn 2,3 tỉ vợ chồng chia cho 3 đứa, mỗi đứa 700 triệu. Số còn lại hai vợ chồng cất tủ, gọi là phòng khi ốm đau chứ cũng chẳng cần mua sắm hay sửa chữa gì. Ấy thế mà chúng tưởng đất đền bù lên giá phải được hơn thế, chúng bắt đầu tị nhau cho đứa này hơn, đứa kia thiệt rồi còn đòi nhận về quê sau này thờ phụng, xây nhà thờ để ngỏ ý muốn đứng tên nốt mảnh đất còn lại. Bỗng dưng có tiền khiến vợ chồng tôi mệt đầu, những đứa con ngoan trước đây giờ nghe lời vợ xúi bẩy đâm tham lam khiến 2 vợ chồng chỉ biết lắc đầu ngao ngán”, ông Thể nói như muốn khóc.

Có tiền mà bỗng dưng… mang nợ

Cũng mang “sắc thái” khác của câu chuyện chẳng giữ tiền cho bản thân mà có gì cho hết cháu con, bà Đậu Thị Nhàn (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) thì rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi cũng bán đất có tiền, nhưng rồi lại mang thêm nợ vào người trước khi được dùng số tiền ấy để an dưỡng tuổi già.

Số là đường cao tốc chạy qua nhà, khiến giá đất tăng vọt. Một mình nuôi con, hai đứa con trai tuy không giỏi giang nhưng cũng được học hành tử tế. Ấy thế nhưng chẳng biết từ khi nào, đứa thứ 2 từ khi nghe tin đất nhà mình nếu bán thì sẽ có tiền tỉ thế là lao vào chơi bời cờ bạc. Số tiền 1,2 tỉ đồng bà bán mảnh vườn chia cho 2 con được chúng sử dụng hết. Nhưng thằng thứ 2 thì còn báo nợ thêm 3 tỉ bạc cho bà. Vậy là, khi chưa kịp hưởng phúc thì bà lại phải tìm người bán nốt cả mảnh đất hương hỏa để trả nợ cho con thứ mà vẫn còn thiếu cả trăm triệu nữa. 

Bà cắp quần áo lên ở với thằng lớn khi chẳng còn chỗ dung thân. Từ ngày lên ở với con dâu, con trai bà hết lòng chăm mẹ nhưng con dâu thì đôi khi “nói mát” rằng, “bà chiều chú út nên bây giờ khổ cả nhà”. Mang nợ, ở nhờ nhà con, cuộc sống cuối đời của bà Nhàn lại chẳng an nhàn như cái tên bố mẹ đặt cho. Giờ đây cứ mỗi lần nhìn lên di ảnh của chồng bà lại ứa nước mắt. “Từ lúc chẳng có tiền bán đất, cuộc sống cứ ngỡ viên mãn thì cuối đời nợ đời, nợ người. Không rõ kiếp trước tôi gieo nghiệp gì mà vất vả đến lúc chết thế này”, bà Nhàn nắm tay mình như sợ rơi nốt chút niềm tin những đứa con bà đứt ruột sinh ra.

Những câu chuyện của bà Nhàn, ông Thể giờ đây không hiếm gặp. Chính vì vậy đâu đó nhiều người cao tuổi có tâm thế, phải để tiền bạc lo cho bản thân, có dư rồi mới giúp đỡ con cháu. Theo ông Nguyễn Văn Khá (Long Biên, Hà Nội}: Mỗi độ tuổi sẽ có cái nhìn về cuộc đời với góc cạnh khác nhau. Làng Trạm (phường Long Biên, quận Long Biên) chỗ ông trước là làng giờ lên phố. Đất ở trước đây chả đáng giá thì nay toàn tiền tỉ nên ông Khá hiểu rõ nhất câu chuyện của 2 người phía trên. Nên ông Khá cho rằng, cần để dành tiền bạc để không phải lệ thuộc vào bất cứ ai và đương nhiên giao nhà hay cho con cái tất cả tài sản là việc làm không khôn ngoan, là tự chặn “đường lui” của chính mình.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV