Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp mắc liên cầu lợn, nghi ngờ do ăn thịt lợn luộc ở quán cơm.
Ngày 2/12, ông C.T. (59 tuổi, trú TP Huế, làm nghề thợ nề) sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ. Sáng 3/12, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế với chẩn đoán ban đầu sốc nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa. Sau đó, người đàn ông này xuất hiện tử ban trên da, rối loạn đông máu, nghi ngờ bệnh liên cầu lợn và được lấy máu xét nghiệm, cấy máu và điều trị tích cực chống nhiễm trùng.
Ngày 6/12, kết quả xét nghiệm cấy máu cho thấy ông T. dương tính với Streptococcus Suis II (liên cầu lợn), được điều trị bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng bệnh nhân ổn định, tiến triển tốt trong những ngày tiếp theo và được chuyển về Khoa Nội điều trị tiếp.
Đến ngày 9/12, bệnh nhân sốt 38 độ C, ban sung huyết, xuất huyết rải rác vùng cẳng chân, vành tai, hoại tử khô đầu ngón tay. Bác sĩ chẩn đoán ông T. viêm màng não mủ do liên cầu lợn nên đã chuyển sang Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Huế) để tiếp tục điều trị theo đúng chuyên khoa.
Theo người thân, gia đình không nuôi lợn, ăn tiết canh, lòng lợn, nem chua. Trước khi khởi phát triệu chứng 2 ngày, bệnh nhân ăn cơm trưa với món thịt lợn luộc ở quán không biết địa chỉ.
Liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn Streptococcus Suis gây ra, lây sang người có thể do tiếp xúc với lợn bị bệnh mang vi khuẩn hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh như máu, thịt, lòng… Thói quen ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như nem chua, nem chạo dễ dẫn tới mắc bệnh này.
Để phòng bệnh, người dân không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Tuyệt đối không ăn tiết canh, các món chưa nấu chín. Khi giết mổ lợn cần sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác. Người chế biến thịt lợn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng.