Đối với những người bạn khiếm thị của Vương Vỹ Lực, căn phòng nhỏ rộng chừng 20 mét vuông tại đường Cổ Lầu, khu Tây Thành (Trung Quốc) với một màn hình tinh thể lỏng, một đầu DVD...là cả một thiên đường.

TIN BÀI KHÁC:


Năm 2005, một người bạn của anh Vương tới nhà chơi, đúng lúc trên TV đang chiếu bộ phim "Người cuối cùng". Vừa xem phim, anh Vương vừa kể lại cho người bạn của mình nghe những gì đang hiện trên màn hình. Sau khi ra về, người bạn đó nói với Vương Vỹ Lực rằng đó là một ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời, 36 năm qua, đấy là lần đầu tiên anh được "xem" một bộ phim. Từ đó, rạp chiếu phim Tâm Mục ra đời. Gần 7 năm trôi qua, anh Vương đã đem tới những người bạn khiếm thị của mình khoảng 300 bộ phim.

"Ít tiếp cận với thông tin khiến người mù khó hòa nhập với xã hội"-Vương Vỹ Lực tới từ thành phố Nam Thông, Giang Tô (Trung Quốc) nói. "Điện ảnh giống như một bảo tàng khoa học, chính trị, kinh tế, văn hóa...có thể đem tới cho người mù một lượng thông tin lớn". Anh Vương hy vọng thông qua việc tường thuật lại các bộ phim sẽ giúp bổ sung phần thiếu hụt cho những người bạn kém may mắn của mình.

Nhằm phụ vục tốt hơn cho người khiếm thị, mỗi bộ phim anh Vương đều xem đi xem lại tới 4,5 lần, sau đó mới tập trung vào chuẩn bị lời kể. Sau đó, anh Vương nhờ vợ quay lưng vào màn hình, nhắm mắt và thử nghe anh kể xem có hiểu hay không. Thỉnh thoảng, Vương Vỹ Lực cũng thử nhắm mắt lại, nhờ vợ dắt ra đường để có thể cảm nhận khát vọng được nhìn thấy thế giới của những người khiếm thị như thế nào.

Khi thấy một vài người bạn vì bận kiếm sống, không có thời gian tới xem phim, Vương Vỹ Lực đã nghĩ ra cách lập một phòng thu âm nhỏ. Những lúc rảnh rỗi, anh ghi âm lời kể của mình rồi ghép với bộ phim, sao ra đĩa tặng cho mọi người.

Để theo đuổi sự nghiệp chiếu phim cho người mù, Vương Vỹ Lực đã tậu một chiếc xe, rút hết tiền tiết kiệm, thậm chí là mượn thêm của bố mẹ. Nhìn rạp chiếu phim tương đối hoàn thiện như ngày nay, anh Vương cho biết giấc mơ lớn nhất của anh là có thể mở được rạp chiếu phim cho người mù ở khắp nơi, "chỉ cần một căn phòng nhỏ, một bộ thiết bị âm thanh là có thể đem tới cảm giác thư giãn khi được xem phim cho nhiều người khiếm thị hơn".

Sầm Hoa (Theo Xinhuanet)