Người bệnh 58 tuổi, ở Hà Nội phát hiện thoát vị bẹn nhưng ngại đi khám. Khi thấy khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt, người này mới đi khám. Lúc này, người bệnh đã bị biến chứng của thoát vị bẹn. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu - Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội), thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở nam giới và có xu hướng ngày càng gia tăng. 

Các bác sĩ phẫu thuật thoát vị bẹn cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC. 

Thoát vị bẹn ở nam nhiều hơn nữ 25 lần. Ban đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng hoặc cảm giác tức nặng vùng bẹn. Khi khối thoát vị to hơn, bệnh nhân thấy xuất hiện khối phồng vùng bẹn (có thể một hoặc hai bên), biến mất khi nằm xuống, tăng kích thước khi đi đứng, ho, hắt hơi.

Ban đầu, người bệnh có thể đẩy khối thoát vị lên ổ bụng một cách dễ dàng. Nếu có biến chứng kẹt, họ sẽ không làm như vậy được nữa, cảm giác đau đột ngột và dữ dội vùng bẹn, sốt, mạch nhanh. Khu vực có khối phồng thoát vị chuyển sang màu đỏ, tím hoặc sẫm.

Theo bác sĩ Liên, phương pháp chủ yếu để điều trị thoát vị bẹn là phẫu thuật cắt bỏ túi thoát vị đồng thời tái tạo lại thành bụng vững chắc hơn.

Hiện nay, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Triển khai phẫu thuật nội soi trong điều trị thoát vị bẹn đã mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với mổ mở trước đây.

Bác sĩ Liên khuyến cáo, nếu thấy một khối phồng ở vùng bẹn, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và phẫu thuật sớm tránh biến chứng.