Ngày 17/1, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), cho biết vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 18 tuổi quê Hải Phòng nhập viện trong tình trạng phản vệ sau khi dùng thuốc giảm đau.

Gia đình bệnh nhân cho biết trước khi vào viện 2 ngày, người bệnh có sốt và ho nhiều. Trước lúc nhập viện, người bệnh đi khám và được bác sĩ tại phòng khám tư tiêm thuốc. Sau tiêm khoảng 30 phút, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, chóng mặt, nổi mề đay, hai mắt sưng nề, phải đi cấp cứu gấp.

Cũng theo gia đình bệnh nhân, loại thuốc người bệnh tiêm có tên Diclofenac, là thuốc chống viêm không steroid, có tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sốt mạnh. Trước đó vài tháng, người bệnh cũng bị phản vệ sau khi tự mua và uống thuốc chữa đau bụng.

Nam bệnh nhân được cấp cứu, điều trị theo phác đồ phản vệ. Sau 30 phút, sức khỏe người bệnh ổn định nhưng hai mắt và môi còn sưng nề.

Người bệnh được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, việc tự sử dụng và lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài dẫn đến những tác hại nghiêm trọng như loét dạ dày, tổn thương gan, suy giảm chức năng thận, cao huyết áp, rối loạn điều hòa hoạt động các cơ quan như loãng xương... Đặc biệt, tự dùng thuốc còn có thể gây phản ứng phụ như dị ứng, mẫn cảm, phản ứng phản vệ nguy hiểm thậm chí tử vong.

Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103, cho biết sốc phản vệ có thể do nhiều nguyên nhân. Nhóm thứ nhất là vắc xin, huyết thanh, kháng sinh và nhiều thuốc khác; nhóm do nọc côn trùng (ong, kiến...) và nhóm do nhiều loại thực phẩm (sữa bò, trứng gà, hải sản, dầu hướng dương, rượu...). Ngoài ra, một số bệnh nhân bị dị ứng do lạnh, khi tắm lâu ở sông hoặc ở biển, hồ vào thời tiết lạnh, có thể xuất hiện sốc phản vệ.

Sốc phản vệ do dị ứng thuốc xảy ra ngày một nhiều, với những hậu quả rất nghiêm trọng. Khá nhiều loại thuốc có thể gây sốc phản vệ như: kháng sinh, vắc xin và huyết thanh, các thuốc giảm đau, hạ nhiệt, chống viêm không steroid, một số loại vitamin... Gần đây có những ca sốc phản vệ do dùng các thuốc gây mê và gây tê.

Dấu hiệu sớm của sốc phản vệ đáng chú ý

Bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ khá đa dạng. Độ nặng của sốc phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất kháng nguyên hay chất lạ.

Những dấu hiệu sớm đáng chú ý: bồn chồn, hốt hoảng, khó thở, phù nề thanh khí quản, nhịp tim nhanh, suy tim cấp, truỵ mạch. Thời gian diễn biến của sốc phản vệ kéo dài từ vài giây đến 30 phút, tốc độ sốc càng nhanh thì tiên lượng càng xấu.

Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân lo lắng, sợ hãi, đau đầu, chóng mặt. Có ca xuất hiện mày đay, mẩn ngứa, phù Quincke, buồn nôn, hoặc nôn, ho, khó thở, tê ngón tay, đau quặn vùng bụng, người mệt mỏi, vệ sinh không tự chủ.

Trong nhiều trường hợp, sốc phản vệ diễn biến với tốc độ trung bình. Người bệnh có những phản ứng nóng ran và ngứa ngáy khắp người, ù tai, mệt mỏi, ngứa mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, ho khan, khó thở, đau quặn bụng...

Sốc phản vệ xảy ra ngay trong những phút đầu tiên với tốc độ chớp nhoáng. Bệnh nhân hôn mê, nghẹt thở, da tái tím, co giật, không đo được huyết áp và tử vong sau ít phút.

Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt người có tiền sử dị ứng thuốc, nếu sau khi uống hoặc tiêm thuốc thấy xuất hiện các triệu chứng như nổi ban da ngứa, buồn nôn, đau bụng, khó thở, tức ngực, cần đến khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.