40 năm làm việc không công
Sinh ra ở vùng đất Cố đô Hoa Lư, ông Nguyễn Xuân Năm (67 tuổi), trú thôn Trung, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã 40 năm làm công việc trông coi, quét dọn mộ vua Đinh Tiên Hoàng trên đỉnh Mã Yên Sơn.
Ông Năm kể, năm 1983, khi thấy lăng mộ vua không có người trông coi, dọn dẹp, cây cối mọc um tùm, ông viết đơn xin xã để làm công việc trông coi này.
Hàng ngày, ông thường dậy từ 4h sáng, mang theo đồ lễ leo những bậc đá lổm chổm lên đỉnh Mã Yên Sơn quét dọn và bày lễ vật, tiếp đón du khách đến dâng hương.
“Ngày trước đường sá đi lại khó khăn, núi non hiểm trở, cả ngày không có người lên, có một mình tôi ở trên lăng mộ. Nhiều người gọi tôi là Năm “gàn”, bởi họ nghĩ tôi tàn tật như vậy lại làm những việc chẳng đâu vào đâu”, ông Năm chia sẻ.
Dù bị gọi là gàn dở, ông Năm không quan tâm ai nghĩ gì về mình. Ông chỉ biết rằng, niềm vui lớn nhất là ông luôn được gia đình ủng hộ, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để ông làm việc.
Ông Năm nhớ lại, năm 1997, lúc đó ông đã làm công việc này được 14 năm, trong một lần lên núi gặp trời mưa to, đường trơn, ông vướng vào cành cây rồi ngã lăn theo bậc đá xuống núi. Cũng từ đó ông bị tàn tật suốt đời.
Hướng dẫn viên bất đắc dĩ
Lúc bị tai nạn, dù phải nằm viện điều trị nhưng ông Năm vẫn không quên trách nhiệm với công việc của mình nên đã nhờ mẹ là cụ Dương Thị Sửu (cụ mất năm 2022) chăm sóc, quét dọn và trông coi lăng mộ vua.
Thương con, cụ Sửu từ khi ấy trở thành người bạn đồng hành trong suốt 10 năm ở trên núi Mã Yên Sơn với ông Năm.
Sau lần ngã núi, nhiều người nghĩ ông Năm “gàn” sẽ bỏ hẳn công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nhưng ít tháng sau người dân lại bất ngờ thấy ông chống gậy tập leo núi. Sau 2 năm kiên trì tập luyện, ông lại tiếp tục chinh phục đỉnh Mã Yên Sơn thành công và làm tiếp công việc đến nay.
“Giờ bị tật đi lại khó khăn hơn nên tôi thường đi sớm, leo đến đâu mệt thì nghỉ ngơi rồi lại đi tiếp. Hiện nay đường lên được sửa chữa, nâng cấp lên 330 bậc thang nên tôi đi phải mất 1h đồng hồ mới đến nơi”, ông Năm nói.
Ngày nay, nhiều du khách quốc tế, Việt Nam khi lên lăng mộ vua Đinh không khỏi trầm trồ, thán phục trước hình ảnh người đàn ông tàn tật, gầy gò, xanh xao... một tay cầm chổi, một tay chống gậy quét dọn.
Làm công việc trên núi 40 năm qua, ông Năm có thể giới thiệu về lịch sử vua Đinh cho du khách như một hướng dẫn viên. Giao tiếp tiếng Anh với khách quốc tế như những người phiên dịch điêu luyện.
“Để có được kiến thức lịch sử, vốn từ tiếng Anh như ngày hôm nay. Tôi đã được nghe các hướng dẫn viên giới thiệu, giao tiếp nên học theo được, về lâu cũng thành quen”, ông Năm chia sẻ.
Trần Nghị