Anh Cường và vết thương do trúng đạn trong lần dũng cảm tham gia truy bắt tên cướp có súng.

Chạm mặt tử thần

Ngồi trò chuyện trong quán cà phê quen, anh Trần Thanh Cường (SN 1978, TP.HCM) bất chợt đổi sắc mặt bởi cơn đau nhói lên từ một bên cổ. Anh lấy tay đè lên vết sẹo dài to tướng ở cổ bên phải. Đây là vị trí anh trúng đạn của tên cướp tiệm vàng cách đây 19 năm.

Thời thanh niên, anh Cường nhiều lần chứng kiến cảnh người thân bị cướp giật tài sản nên "rất ghét" loại tội phạm này. Mỗi khi nghe thấy tiếng tri hô, anh đều gác lại việc riêng để hỗ trợ, tham gia truy đuổi, bắt cướp.

Chiều tối 19/5/2003 là một trong những lần như thế. Hôm ấy, Nguyễn Văn Tiếp (SN 1982), Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1983) mang theo 2 khẩu súng K54 cùng hơn 100 viên đạn đến cướp tiệm vàng Ngọc Hà (quận Tân Bình, TP.HCM).

Khi xông vào tiệm vàng, tên cướp bị chủ tiệm phản kháng. Đối tượng rút súng, bóp cò nhưng đạn không nổ. Nhân viên tiệm vàng xông đến khống chế. Thấy vậy, đồng bọn của tên cướp đang đứng bên ngoài liền xông vào nổ súng giải cứu rồi cùng nhau tẩu thoát về phía hẻm của nhà anh Cường.

Anh Cường kể: “Nghe người dân tri hô, tôi chạy ra thì thấy nam thanh niên mặc áo sơ mi, đeo khẩu trang bước đi rất nhanh vào hẻm. Không thấy tên cướp có hung khí nên tôi đợi đối tượng đến gần mới lao ra khống chế.

Khi đối tượng đi sượt qua, tôi bất ngờ lao đến. Cả hai vật lộn trên đường. Lúc này, đối tượng thứ hai xuất hiện, hắn rút súng bắn”.

Trước đây, anh Cường từng khổ sở với cái cổ lúc nào cũng trẹo sang một bên, không thể cử động.

Tiếng nổ chát chúa vang lên, viên đạn xuyên từ cổ anh Cường ra phía miệng. Vết thương phá nát cổ họng, miệng và một phần mũi của anh. Thấy con trai trúng đạn, bố anh Cường chạy đến ứng cứu cũng bị tên cướp bắn xuyên cổ.

Ngay sau đó, anh Trần Minh Sang (SN 1976, anh trai anh Cường) cũng lập tức chạy đến và bị tên cướp bắn sượt qua ngực làm rách một vệt dài. Trong lúc tháo chạy, hai tên cướp liên tục xả súng về phía người dân.

Vụ việc khiến 9 người bị thương, một người tử vong tại chỗ. Sau đó, 2 tên cướp đã bị kết án tử hình.

Vượt cửa tử

Sau khi trúng đạn, anh Cường cùng các nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch. 

Viên đạn phá nát phần nướu răng, lưỡi, họng của anh khiến anh có thể tử vong bất cứ lúc nào. Gia đình anh được thông báo chuẩn bị tinh thần đón nhận tin xấu nhất.

Nghe tin, gia đình anh vô cùng đau đớn. Thậm chí, người nhà anh đã chuẩn bị áo quan, nghĩ về việc anh ra đi mãi mãi. Tuy vậy, sau một đêm nỗ lực, kì tích đã xảy ra. Các bác sĩ giật anh về từ cửa tử.

Anh kể: “Sau gần một ngày hôn mê, tôi bị đánh thức bởi cơn đau khủng khiếp. Tôi đau đến độ chỉ muốn chết nhưng không làm được gì vì chân tay bị bó chặt vào cơ thể. Cổ họng bị rạch để mở khí quản, miệng bị đạn phá nát khiến tôi không thể nói. Đau quá, tôi chỉ biết đập bàn tay xuống thành giường bệnh.

Rồi đàm trong cổ trào lên, bịt kín đường thở. Những lúc như thế, tôi chỉ có thể giãy dụa, mắt trợn trắng như chỉ còn cách cái chết vài tích tắc. Mỗi ngày phải có 4 người túc trực hút đàm thông qua ống mở khí quản cho tôi”.

Sau ít tuần điều trị, anh Cường được bác sĩ nới lỏng tay, cung cấp 1 quyển vở, 1 cây bút để có thể trao đổi với mọi người. Hơn 1 tháng chỉ nằm trên giường bệnh, anh xuất viện trong tình trạng lưng lở loét, hoại tử da, chân tay yếu ớt.

Về nhà, anh trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhìn con trai ốm tong teo, vùng miệng bị phá hủy, cổ trẹo sang một bên, mẹ anh ngày nào cũng khóc. Thương con, bà động viên, giúp anh phục hồi sức khỏe bằng mọi giá.

Tuy vậy, anh đã vượt thương tật, khó khăn để có một cuộc sống mới với nhiều thành công.

Mỗi ngày, bà nấu cháo loãng, đổ vào máy xay sinh tố xay cho thật nhuyễn. Sau đó, bà đổ cháo ra ly, cắm vào đó 2 cái ống hút rồi dỗ dành đứa con trai đáng thương cố hút vài ngụm cháo.

Giữa lúc khó khăn nhất, vì nhiều lý do, hạnh phúc gia đình nhỏ của anh cũng tan vỡ. Bệnh tật, không thể lo cho mình lại gặp cảnh gà trống nuôi con, anh càng thêm tuyệt vọng. Anh nghĩ rằng tương lai của mình đã lụi tàn. Thế rồi giữa lúc tuyệt vọng cùng cực, anh bỗng nhiên nhận ra mình chưa mất tất cả.

Anh kể: “Một lần, buồn quá nên tôi mở ti vi lên xem và bắt gặp chương trình về những mảnh đời bất hạnh, thương binh tàn nhưng không phế. Tôi nhận ra rằng, ngoài kia còn nhiều người đáng thương hơn mình nhưng họ vẫn làm được bao nhiêu điều có ích.

Từ đó, tôi quyết định thay đổi cách suy nghĩ. Tôi quyết nỗ lực vượt bệnh tật để tự lo cho bản thân, nuôi con, báo hiếu cha mẹ vì họ đã khổ vì mình quá nhiều”.

Kỳ 2: Trở về từ cửa tử, 'hiệp sĩ đường phố' xây cơ ngơi chục tỉ đồng