Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi trú ngụ của hàng nghìn loài động, thực vật. Sự sinh tồn, phát triển của mỗi loài đã tạo ra một hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú. Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Bù Gia Mập cũng là nơi tiếp nhận và chăm sóc các loại động vật hoang dã sau đó sẽ thả về rừng.

Chia sẻ với báo VietNamNet, anh Nguyễn Đức Trọng – Cán bộ của Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Bù Gia Mập , tỉnh Bình Phước cho biết, trung tâm là điểm tiếp nhận các loài động vật có nguồn gốc tự nhiên được các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức bàn giao. Có nhiều trường hợp người dân nuôi nhốt một thời gian và họ cũng mang đến bàn giao cho Trung tâm. 

cham soc dong vat.png
Anh Trọng chăm sóc cho động vật được người dân địa phương giao nộp. Ảnh: Lương Phượng.

Nhiều loại động vật cũng là tang vật của các vụ án mua bán, nuôi động vật hoang dã trái phép. Anh Trọng cho biết, hiện nay động vật hoang dã vẫn bị nhiều người săn bắn, bẫy. Nhiều động vật bị thương được kiểm lâm phát hiện trong tình trạng bị thương rất nặng. Họ đưa đến Trung tâm chăm sóc, điều trị. Khi động vật có đủ điều kiện về sức khỏe sẽ được đưa về rừng tự nhiên, đưa động vật về với môi trường chính của chúng.

Anh Trọng chia sẻ, trước đây, người dân vùng đệm xung quanh Vườn quốc gia cho rằng động vật hoang dã có giá trị cao họ săn, bẫy và bán lấy tiền.  Hiện nay, họ đã nhận thức được việc nuôi hay ăn thịt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật. Nhiều người dân quanh Vườn quốc gia đã đến trung tâm giao nộp động vật hoang dã và cung cấp thông tin khi có trường hợp nuôi nhốt động vật hoang dã. Thậm chí, nhiều người dân chủ động tham gia vận động người khác đưa động vật đến trung tâm để thả về rừng. Anh Trọng cho rằng, đây là thuận lợi cho các cán bộ làm cứu hộ. Trong thời gian tới, số động vật hoang dã tiếp nhận sẽ giảm. Khi đó, tình trạng mua bán, nuôi nhốt động vật tự nhiên sẽ không còn. 

Tuy nhiên, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn cách xa trung tâm, gần biên giới đi lại khó khăn và công tác chăm sóc và cứu hộ động vật còn nhiều hạn chế. Công tác cứu hộ bảo tồn tại đây còn sơ khai. Mặc dù, từ năm 2016, công tác này được quan tâm nhiều hơn, triển khai rộng hơn, cơ sở vật chất có thêm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu thốn.

Ngoài ra, trình độ của cứu hộ bảo tồn động vật ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa tiếp cận được các công nghệ khoa học trên thế giới. Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm sát biên giới nên khó khăn trong việc tiếp cận với sự hỗ trợ của các tổ chức ở nước ngoài tạo khó khăn từ nguồn kinh phí tới phát triển công nghệ.

Kinh phí nuôi động vật hiện tại đều “tự cung tự cấp”. Cán bộ làm tại trung tâm đều tự phải trồng cây như đu đủ, mít, chuối… để làm thức ăn cho động vật.

Theo anh Nguyễn Đức Trọng, từ đầu năm 2023 đến nay, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị và nhóm gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam tiến hành tái thả về môi trường tự nhiên tổng cộng trên 60 cá thể với hơn 20 loài động vật hoang dã các loại, trong đó có nhiều cá thể thuộc loài quý hiếm cần được bảo vệ.

Trong thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền về công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong đó việc tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên là rất quan trọng tạo môi trường tốt nhất cho các loài động vật hoang dã tái hòa nhập với tự nhiên.

Phương Anh