Phát biểu tại Hội thảo Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ngày 5/11, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thông tin, tình hình lây lan dịch HIV/AIDS ở nhóm người đồng tính nam (MSM) hiện rất đáng lo ngại.
So với giai đoạn trước, tỷ lệ nhiễm bệnh ở các nhóm nguy cơ khác như người nghiện hút ma túy, phụ nữ bán dâm đều giảm mạnh, tuy nhiên ở cộng đồng MSM lại đang tăng rất nhanh.
“Khoảng 5 năm trước, tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm này chỉ khoảng 3-4%, nhưng đến nay đã là 10-15%, thậm chí ở một số địa phương đã lên tới 15-17%. Nếu như các ca nhiễm ở nhóm nguy cơ khác chủ yếu đã mắc bệnh từ lâu thì nhóm MSM có tỷ lệ rất cao là ca mắc mới”, ông Long thông tin.
Quan hệ tình dục đồng tính nam (quan hệ qua đường hậu môn) nguy hiểm vì hậu môn thiếu chất bôi trơn tự nhiên mà âm đạo có. Vi khuẩn và virus rất dễ xâm nhập vào máu, dẫn đến lây lan các bệnh truyền nhiễm như HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ bằng cách này cao gấp hàng chục lần quan hệ qua âm đạo.
PGS Long chia sẻ, tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm MSM tăng nhanh bởi hành vi quan hệ tình dục đồng giới nam hiện đã nhiều hơn so với trước đây. Sự phát triển của các kênh liên lạc, mạng xã hội và cách nhìn cởi mở hơn của xã hội giúp cộng đồng MSM dễ dàng hơn trong việc kết nối.
Bên cạnh đó, một số người đồng tính có sử dụng ma túy, ma túy đá dẫn đến hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Đa số giới trẻ hiện nay, bao gồm người đồng tính, cũng chưa hiểu biết đầy đủ về nguy cơ lây nhiễm HIV.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế |
“Trong chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đã được phê duyệt, chúng ta đặt ra mục tiêu chấm dứt dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Để kết thúc đại dịch này, cộng đồng MSM là nhóm cần được đặc biệt quan tâm trong thời gian sắp tới”, PGS Long nhấn mạnh.
Có nhiều biện pháp để dự phòng lây nhiễm HIV, như sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone thay cho các chất dạng thuốc phiện… Trong đó, giải pháp hiệu quả nhất là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (viết tắt là PrEP).
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bảo vệ khỏi HIV khi dùng PrEP lên tới 95-98%. Đây là giải pháp quan trọng nhất Cục phòng chống HIV/AIDS hướng tới để kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
PGS Long cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 10.000 người thuộc cộng đồng MSM điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV. Nếu không dùng PrEP, trong nhóm này sẽ có khoảng 7%, tức 700 người nhiễm mới HIV/năm.
“Trong 10.000 người đang được điều trị PrEP, chỉ có 8 người nhiễm HIV trong năm vừa rồi, đều là các ca không tuân thủ liệu trình điều trị. Như vậy, chúng ta đã giảm tới 99% số ca mắc mới HIV khi điều trị dự phòng trước lây nhiễm”, ông Long nhấn mạnh.
Mục tiêu được giao trong chiến lược về phòng, chống HIV/AIDS là đến năm 2025, 30% cộng đồng MSM được điều trị bằng PrEP (khoảng 60.000 người) và đến năm 2030 là 40% (80.000 người).
Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nguồn thuốc PrEP hiện được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ và Quỹ toàn cầu. Tới nay, Việt Nam vẫn đang đảm bảo nguồn thuốc này.
Nhóm đối tượng nguy cơ dùng thuốc với liệu trình hàng ngày, mỗi ngày 1 viên cho đến khi hết hành vi nguy cơ (quan hệ tình dục bừa bãi, nghiện chích ma túy, mua bán dâm). Nếu còn hành vi nguy cơ, cần tiếp tục sử dụng thuốc. Ngoài ra, PrEP cũng được sử dụng trong điều trị tình huống (dùng khi chuẩn bị có hành vi nguy cơ).
Ngoài điều trị dự phòng, Cục phòng, chống HIV/AIDS cũng khuyến cáo người dân cần có các giải pháp song song khác như sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, tăng cường nhận thức về phòng, chống HIV để tránh lây nhiễm dịch bệnh này.
Nguyễn Liên