Viễn cảnh những cây ATM bị rơi vào quên lãng và thậm chí bị "xóa sổ" giống những bốt điện thoại thẻ trước đây đang dần hiện hữu.

Rút tiền qua cây ATM với thẻ vật lý đang ít dần 

Thực hiện một cuộc khảo sát bỏ túi, PV Báo VietNamNet rất bất ngờ khi vai trò của chiếc ATM – một vật dụng vốn được coi là bất ly thân, thậm chí là sinh mạng của nhiều người nay bị rơi vào quên lãng trước xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Phạm Thị Nguyệt, một nhà báo công tác tại Hà Nội cho biết: “Lần cuối cùng tôi sử dụng thẻ ATM để rút tiền có lẽ đã cách đây chừng gần 3 năm rồi. Không rõ thẻ ATM giờ vứt đâu nữa, hiện thanh toán toàn dùng app của ngân hàng cài trên điện thoại thông minh để quét mã hoặc chuyển khoản. Trước đây, thẻ ATM thanh toán hay thẻ ghi nợ được coi là vật bất ly thân. Đi siêu thị hay nhà hàng thường quẹt thẻ (máy POS) để không phải mang tiền mặt, giờ đây thì chỉ cần có điện thoại có mạng Internet mà không cần mang thẻ nữa. Công nghệ phát triển đã biến đổi thói quen của người tiêu dùng nhanh thật”, chị Nguyệt cảm thán.

Đứng trước “hàng” cây ATM tại cổng Học viện Nông nghiệp (Gia Lâm, Hà Nội), phải mất gần 2h đồng hồ một sáng Chủ nhật PV VietNamNet mới thấy 1 trường hợp rút tiền mặt. Khi tiếp cận vị “khách” hiếm hoi này - bạn Nguyễn Quỳnh Anh (sinh viên năm 1, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa) – được bạn chia sẻ: “Em rút có 300k (300.000 đồng) để dự phòng lát đi chợ mua đồ ăn chiêu đãi bạn phòng trọ mới thôi. Còn tiền bố mẹ cho em ra nhập học, thuê phòng, đóng đầu năm em vẫn để trong tài khoản, khi cần tiêu gì thì chuyển khoản cho tiện vừa có “hóa đơn điện tử” xác nhận (thời gian giao dịch, số tiền) để sau này kiểm tra hay đối soát cho tiện”, Quỳnh Anh nói.

Cũng theo Quỳnh Anh, em có 2 tài khoản ngân hàng được làm từ cuối năm lớp 12 khi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (em làm ngay sau khi được cấp thẻ CCCD gắn chip-NV). Một tài khoản là của Ngân hàng Nông nghiệp – Agribank (nơi có mạng lưới ở khắp các huyện thị nông thôn) kèm theo thẻ ATM vật lý; 1 tài khoản còn lại của Ngân hàng Quân đội – MB, tài khoản này em lấy số điện thoại làm số tài khoản, dùng app mà không làm thẻ ATM vật lý. “Bố mẹ ở quê chuyển tiền vào tài khoản nào cũng được, nếu sợ mất phí thì chuyển Agribank cho cùng hệ thống, nếu không thì chuyển MB, thậm chí chuyển qua Mobile Money cũng đều tiện”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Công nghệ ngân hàng số phát triển quá nhanh

Không chỉ chuyển khoản, quét mã thông qua app/tài khoản ngân hàng; các ví điện tử như VinID, Mobile Money, Viettel Pay… cũng đang trở lên phổ biến và dần thay thế những chiếc thẻ ATM ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, khi nào sứ mệnh của những chiếc máy ATM và thẻ ATM đi vào quên lãng thì vẫn là một ẩn số cần thời gian trả lời.

B9 ATM=.jpg
Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều lắp đặt hệ thống máy CDM, tuy nhiên số người sử dụng cây ATM ngày một ít dần. 

Anh Nguyễn Quốc Triệu, một cán bộ kĩ thuật của Ngân hàng VP Bank chia sẻ, hiện tại vai trò của những chiếc máy ATM thế hệ mới và thẻ ATM gắn chip vẫn đang được nhiều người sử dụng, nhất là những người cao tuổi. “Hầu hết các ngân hàng đã chuyển sang dùng máy ATM thế hệ mới CDM (Cash Deposit Machine) - tức máy gửi tiền tự động hay ATM đa chức năng - cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng tự động mà không cần đến quầy giao dịch như: Gửi tiền mặt vào tài khoản; Rút tiền mặt; Chuyển tiền nhanh; Thanh toán hóa đơn điện nước, Internet; Truy vấn tin tài khoản như số dư, lịch sử giao dịch, công nợ…; Đổi mã PIN thẻ ATM cũng như tra cứu thông tin về các sản phẩm, dịch vụ (lãi suất, tín chỉ vàng, các ưu đãi thẻ cho tới các khuyến mại mua hàng) của ngân hàng”, anh Triệu nói.

Theo khảo sát của PV Báo VietNamNet, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều lắp đặt hệ thống máy CDM như Timo, Agribank, Vietinbank, Sacombank, Đông Á, TP Bank, ACB, BIDV, VIB, HDBank, Ocean Bank, Bac A Bank, Lien Viet Post Bank… Bên cạnh đó, thẻ ATM của người dùng cũng đa phần chuyển sang gắn chip hay còn được gọi là "thẻ thông minh". Thẻ có gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ (đây là điểm khác biệt cơ bản giữa thẻ chip và thẻ băng từ trước đây). Những chiếc chip này có nhiệm vụ lưu trữ và mã hóa thông tin cá nhân với mật độ cao khi thực hiện giao dịch tại máy quẹt thẻ ở các cửa hàng hoặc các cây ATM.

“Thẻ ATM gắn chip còn được gọi là Smart Cards, Chip-and-Pin Cards, Chip-and-Signature Cards hoặc Europay - MasterCard - Visa (EMV) Card. Thẻ ATM gắn chip có 2 loại phổ biến gồm: Thẻ chip có tiếp xúc, loại thẻ này phải được đặt vào khe nhận thẻ trên đầu đọc mới được ghi, xóa hay truy xuất dữ liệu; Thẻ chip không tiếp xúc, khách hàng không cần cho thẻ tiếp xúc với đầu đọc, khe đọc thẻ vẫn nhận được thông tin khi khoảng cách là từ 2 đến 10 cm. Nhìn chung, công nghệ thanh toán của các ngân hàng ngày một hiện đại. Dù thanh toán online hay dùng thẻ, các biện pháp nâng cấp đều nhằm hướng đến sự bảo mật thông tin khách hàng, nâng cao tính thuận tiện trong giao dịch hướng tới hình thành các ngân hàng số, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số hiện nay”, anh Triệu kết luận.