Sergey Karaganov cười lớn khi được hỏi tại sao ý tưởng cách đây hai thập niên của ông về việc Moscow cần “bảo vệ” những người nói tiếng Nga ở nước ngoài đột nhiên lại thành trung tâm chính sách đối ngoại.
“Bởi vì gần như mọi thứ tôi nói đã xảy ra”, ông Karaganov trả lời một cuộc phỏng vấn ở văn phòng thuộc quận Kitai-Gorod của Moscow, cách không xa Quảng trường Đỏ.
Chính Tổng thống Vladimir Putin là người khiến cho việc bảo vệ quyền lợi của người nói tiếng Nga ở bất kỳ nơi đâu họ sống trở thành một nguyên tắc đối ngoại với Kremlin. Nhưng trong lần can thiệp mới đây, ông đã vay mượn khá nhiều ý tưởng của Karaganov - người mà Putin thường xuyên tham vấn về các vấn đề đối ngoại.
Hai thập niên trước, ông Karaganov đưa ra giả thuyết rằng, người nói tiếng Nga đang sống tại các quốc gia mới độc lập như Ukraina, Belarus và các nước Baltic sẽ là người đảm bảo chính cho ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Moscow đối với láng giềng sau sự sụp đổ của Liên Xô. Trong một bài phát biểu năm 1992 đưa ra những gì gọi là “học thuyết Karaganov”, ông dự báo Moscow một ngày nào đó có thể cảm thấy buộc phải sử dụng vũ lực để bảo vệ người nói tiếng Nga và lợi ích của mình ở Liên Xô cũ.
Sergei Karaganov, Chủ tịch danh dự của Đoàn chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga. Ảnh: AP |
Một kịch bản như vậy giờ đây đã diễn ra tại Ukraina, ông Karaganov thấy rằng, Nga và phương Tây bị mắc kẹt trong một trạng thái “xung đột mô hình”, một cuộc vật lộn mà ông tin có thể dính líu tới cả yếu tố quân sự. Và ông cũng tin, Putin sẽ không lùi bước.
Học thuyết
“Tôi cho là Nga không có gì để mất. Sẽ là chiến thắng hay sụp đổ. Đó là đánh giá của tôi. Và Putin, theo những gì tôi hiểu, sẽ chiến đấu tới cùng”, ông nhấn mạnh. “Chúng ta đang ở trong một ngõ cụt, hay tồi tệ hơn là trong cuộc khủng hoảng với cái giá phải trả về con người, kinh tế và chính trị khủng khiếp cho tất cả”.
Rất ngạc nhiên khi biết rằng, người đàn ông 61 tuổi này không làm việc cho Kremlin, nhưng lại đảm nhận cương vị Chủ tịch danh dự của Đoàn chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga.
Ông Karaganov là một trong số những người thiên về chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại, người có ảnh hưởng tại Moscow kể từ khi Putin trở lại Kremlin vào 2012. Ông cũng là người giúp Putin soạn thảo bài phát biểu mùa thu năm ngoái, trong đó nêu rõ tầm nhìn mới, về một nước Nga hùng mạnh hơn được dẫn dắt bởi chính những ý tưởng và giá trị riêng của họ.
Trong câu chuyện của Karaganov, học thuyết mang chính tên ông xuất hiện khá tình cờ.
Vào phút cuối một hội nghị năm 1992, ông được mời phát biểu. Thời gian chuẩn bị quá ngắn, ông chỉ nói vài ý tưởng về việc các nhà hoạch định chính sách thay vì than khóc thực tế hàng triệu người nói tiếng Nga bị đặt ra khỏi biên giới đất nước lúc Liên Xô tan rã, thì hãy nhìn nhận họ như một tài sản giá trị, công cụ có thể duy trì ảnh hưởng của Moscow đối với láng giềng.
Ông lập luận, cộng đồng nói tiếng Nga thường là những công dân giàu có, giáo dục tốt ở các quốc gia mới. Bằng việc bảo vệ quyền lợi của họ, để họ nói tiếng Nga nơi công cộng, xem truyền hình tiếng Nga và có con em học tập ở Nga, Moscow sẽ giữ vững lòng trung thành của họ, có thể tiếp cận với các nền kinh tế và chính phủ ở quốc gia mới.
“Chúng ta phải dám và đưa họ vào sự kiểm soát của chúng ta, theo cách đó thiết lập một vùng đất chính trị mạnh mẽ sẽ là nền tảng cho ảnh hưởng chính trị của chúng ta”, tài liệu trực tuyến về bài phát biểu năm 1992 nêu rõ.
Tài sản giá trị
Thời điểm đó, học thuyết Karaganov khiến báo chí nhiều nước Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania lo lắng, nhưng không được Kremlin của Yeltsin chấp nhận.
Giờ đây, trong làn sóng sáp nhập Crưm, thì học thuyết ấy rõ ràng là trọng tâm chính sách đối ngoại.
“Chúng ta phải thừa nhận rằng, nước Nga của Putin chưa bao giờ từ bỏ học thuyết Karaganov”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Urmas Reinsalu gần đây nói.
Karaganov nhấn mạnh, chủ nghĩa dân tộc của Putin bị đẩy lên cao bởi chính phương Tây, do đã phớt lờ sự phản đối của Kremlin trong suốt hai thập niên qua khi NATO và EU mở rộng hướng tới các biên giới của Nga, tới “phạm vi ảnh hưởng” lịch sử của họ.
“Cuộc tranh cãi là về Crưm. Không nên như thế. Đầu tiên đó là mối quan hệ Nga – phương Tây và sự tôn trọng lợi ích mỗi bên”.
Để tránh xung đột lớn hơn, ông Karaganov cho rằng, các nhà lãnh đạo phương Tây cần chấp thuận đề xuất của Moscow để “vẽ lại” Ukraina dọc theo các ranh giới của Bosnia-Herzegovina, quyền tự chủ rộng hơn cho các khu vực nói tiếng Nga ở phía đông và phía nam. Nga cũng muốn Ukraina giữ vị trí trung lập vĩnh viễn, nghĩa là không bao giờ gia nhập NATO hay EU.
Ông thừa nhận Kiev và phương Tây không chấp thuận những điều khoản như vậy, nhưng họ có thể phải thay đổi nếu khả năng chiến tranh trở nên rõ ràng hơn. Karaganov hy vọng phương Tây sẽ nhìn việc sáp nhập Crưm “như một bài học” để đánh giá khả năng của Moscow.
“Chúng ta đang ở trạng thái trước một cuộc thế chiến, nhưng vì vũ khí hạt nhân, chúng ta sẽ không rơi vào đó. Nhưng có thể là một trạng thái quân sự, hay bán quân sự”, ông nhấn mạnh. Lệnh cấm vận, theo ông, sẽ không đẩy Nga về phía mà các nhà lãnh đạo phương Tây đang hy vọng.
“Động thái ấy cho thấy phương Tây chẳng hiểu gì cả. Họ nghĩ Putin và các cộng sự gắng sức vì tiền. Không phải như vậy. Họ gắng sức vì sức mạnh và niềm tự hào”.
- Thái An (theo globeandmail)