73% người dùng Việt bị nhận các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo
Sáng ngày 13/5, phiên toàn thể hội thảo chủ đề “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” đã diễn ra tại Hà Nội, có sự tham dự của Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.
Là sự kiện do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công an, hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” hướng tới mục tiêu, qua trao đổi, thảo luận giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp, sẽ làm rõ tầm nhìn chiến lược, tổng thể, toàn diện về pháp lý, giải pháp, trách nhiệm từng cơ quan.
Từ đó, tạo cơ sở tham mưu với Đảng, Nhà nước, định hướng phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu tối đa lừa đảo trên không gian mạng; Bảo đảm cao nhất an ninh con người, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hội thảo cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân kết nối, thảo luận, thống nhất nhận thức và giải pháp, cùng nhau thúc đẩy cơ hội, giảm thiểu thách thức từ không gian mạng đối với sự phát triển của mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Lương Tam Quang nhấn mạnh: Lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân, tác động tiêu cực đến phát triển, đòi hỏi cần sớm đánh giá toàn diện, thấu đáo và có giải pháp toàn diện để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả.
Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức không nhỏ với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đối với mọi quốc gia. Hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến đang gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi. Tội phạm mạng triệt để lợi dụng công nghệ mới nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Riêng năm 2023, con số này là 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân. Theo thống kê, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo là 73%.
Thượng tướng Lương Tam Quang cũng cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy hoạt động của các đối tượng tội phạm rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội.
Cùng với đó, phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepfake giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán.
“Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí là cả trẻ em. Đây là những người đã dùng smartphone, có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận thức các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo”, đại diện Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho hay.
Mặt khác, đại diện Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng cho rằng, xuất phát từ thực trạng phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, đòi hỏi cấp thiết sớm thống nhất nhận thức, hành động trong mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Từ góc độ của Bộ TT&TT, cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thông tin mạng, ông Trần Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số nhận định, giai đoạn Chính phủ đang tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu cũng không ngừng lợi dụng sự bùng nổ công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân qua mạng.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân bị lừa đảo là 8.000 - 10.000 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, cổng cảnh báo an toàn thông tin của Bộ TT&TT đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Trong đó, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.
“Các nạn nhân thường có tâm lý không muốn cung cấp đầy đủ số tiền bị thiệt hại, nên con số hơn 300 tỷ đồng chưa phản ánh thật sự đầy đủ thiệt hại của hơn 17.400 trường hợp bị lừa đảo trực tuyến trong năm 2023. Tuy nhiên, ghi nhận trường hợp bị lừa đảo nhiều nhất bị thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ đồng”, ông Trần Quang Hưng thông tin thêm.
Hình thành thế trận toàn dân phòng chống lừa đảo trực tuyến
Trao đổi tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – A05 (Bộ Công an) cho biết, trước diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi của các đối tượng chiếm đoạt tài sản qua mạng, A05 đã xác định đây không phải là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an, mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
“Với quan điểm đó, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an triển khai nhiều nghiệp vụ công tác, nhằm huy động sức mạnh, hình thành thế trận toàn dân phòng chống tội phạm trên không gian mạng”, ông Nguyễn Minh Chính chia sẻ.
Với vai trò quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về quản lý không gian mạng, Bộ TT&TT đã và đang triển khai nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có việc hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an toàn giao dịch điện tử.
“Vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên ngày càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Việc phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là của các tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên không gian mạng. Các tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện mọi biện pháp khả thi để bảo vệ người dân, khách hàng đang sử dụng dịch vụ của mình được an toàn trên không gian mạng”, ông Trần Quang Hưng nêu quan điểm.