Yêu âm nhạc từ ngày còn trẻ nhưng không có thời gian và điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ở tuổi 66, bà Mai Hương (Hà Nội) quan tâm đến quyền được vui chơi, giải trí của bản thân nhiều hơn. Ngày ngày bà đều đặn học và luyện đàn piano để bù cho quãng tuổi trẻ bỏ lỡ. 

Cách đây 5 năm, bà Hương bắt đầu thử sức với cây đàn piano mà bà từng mua cho các con học. Ban đầu bà học online, sau đó mua sách về tự học, cuối cùng quyết định đến trung tâm học thầy. 

Đến nay đã được 5 năm, bà vẫn kiên trì với loại nhạc cụ này. Ngày nào bà cũng ngồi luyện bài, vừa đệm đàn vừa hát. “Môn này nếu không luyện tập sẽ nhanh quên. Mà để có thể duy trì tập luyện được đến bây giờ, cần đam mê nhiều lắm” - bà ngoại của 2 đứa cháu tâm sự.

Bà nói, những người lớn tuổi như bà thường chỉ học được một thời gian đầu là bỏ cuộc. Sở dĩ bà vẫn còn theo đuổi được đến bây giờ là nhờ có niềm đam mê.

“Thực sự, nó mang lại cho tôi niềm vui, làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa vô cùng. Tôi cảm thấy mình trẻ ra khi chơi đàn. Mặc dù trí nhớ không còn được như các bạn trẻ, nhưng tôi vẫn thích và cố gắng tập luyện mỗi ngày”.

Trình độ của bà bây giờ đã có thể tự đọc bản nhạc và tập những bài dễ. Bài nào khó, bà sẽ cần thầy chỉ dạy thêm. 

Video: Bà Mai Hương chơi bản Love Story tặng cả nhà nhân dịp sinh nhật mình.

Cùng tuổi với bà Hương, bà Dương Thuý Minh (66 tuổi, Nam Định) cũng chọn âm nhạc để bầu bạn, giải trí trong những năm tháng nghỉ hưu. 

Về hưu đã hơn chục năm nay, không vướng bận con cháu, mỗi tuần một buổi, bà Minh tới câu lạc bộ thanh nhạc để học hát cùng thầy và các thành viên khác. 

“Thực ra, tôi đăng ký lớp học hát online từ thời còn Covid-19. Sau khi hết dịch, tôi đến học trực tiếp với thầy ở Hà Nội. Hiện tôi sống chủ yếu ở Nam Định, nhưng hằng tuần vẫn đi đi về về giữa 2 nơi và tranh thủ học lớp thanh nhạc này. Đến bây giờ là được hơn 2 năm rồi”.

Trước khi học bài bản, bà Minh thường học hát qua các video trên mạng. “Ngày xưa khi chưa được đi học, tôi thích hát nhưng chệch nhịp, phách, cao độ không chuẩn. Từ khi đi học, tôi được thầy sửa cho những lỗi ấy”.

Bà Minh chia sẻ, đi học thanh nhạc giúp bà khoẻ hơn, vui hơn và đặc biệt là có cơ hội giao lưu với nhiều người để cuộc sống hưu trí bớt đơn điệu. Khi hát tốt hơn, bà lại mạnh dạn tham gia nhiều chương trình văn nghệ ở các hội nhóm, phòng trà.

Video: Bà Thuý Minh học hát cùng các thành viên câu lạc bộ thanh nhạc.

Ngoài học hát, bà còn học khiêu vũ cách đây cả chục năm. Trong nhóm học thanh nhạc của bà, cũng có nhiều thành viên lớn tuổi và trung niên. Bà Minh cho biết, bạn bè tầm tuổi bà cũng nhiều người chọn học các bộ môn nghệ thuật như một cách giải trí, người thì học hát, người học đàn, học múa.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Đức Hưng (31 tuổi, Hà Nội) - thầy dạy thanh nhạc của bà Minh - cho biết, câu lạc bộ của anh có 2 bộ môn là thanh nhạc và múa. Hầu như các học viên đều là người cao tuổi và trung niên. 

Anh Hưng chia sẻ, những người ở độ tuổi này đến với câu lạc bộ không phải để trở thành nghệ sĩ, mà họ chỉ có chung một đặc điểm, đó là đam mê nghệ thuật. “Họ có thể là những người rảnh rỗi, không vướng bận, tìm đến lớp để giải trí cho khuây khoả. Họ cũng có thể là những người rất yêu ca hát nhưng ngày trẻ chưa có điều kiện để thoả ước mơ”.

Cũng chính vì mục tiêu học hát để vui, khoẻ nên khi dạy cho nhóm tuổi này anh Hưng luôn linh hoạt, điều chỉnh để phù hợp với năng lực và độ tuổi của học viên, thay vì đặt ra những yêu cầu như với các bạn trẻ học chuyên nghiệp. “Nhưng cũng không phải dạy nhóm đối tượng này sẽ khó khăn hơn. Bởi vì học nghệ thuật phần lớn phụ thuộc vào năng khiếu. Những người đã có năng khiếu và đam mê đều học tốt dù lớn tuổi”.

Học viên của anh Hưng (trái) phần lớn là người cao tuổi và trung niên. 

Thầy giáo chuyên dạy thanh nhạc cho người cao tuổi cũng cho biết, những năm gần đây nhu cầu người cao tuổi tìm đến các bộ môn nghệ thuật có phổ biến hơn. “Độ tuổi mà tôi thường dạy là khoảng 60-70 tuổi, những người đã về hưu và có thời gian dành cho bộ môn này. Họ là những người yêu ca hát nhưng ngày trẻ phải tạm gác lại giấc mơ vì công việc, con cái, điều kiện kinh tế.

Đến khi có tuổi, họ mới có thời gian tham gia lớp học để thoả niềm đam mê. Ngoài ra, khi đến lớp, họ có bạn bè cùng trang lứa để giao lưu, mở rộng mối quan hệ, giúp cuộc sống phong phú, màu sắc hơn. Thêm nữa, khi học bộ môn thanh nhạc, sức khoẻ của người học cũng sẽ tốt lên vì được luyện tập cách lấy hơi, phải vận dụng trí nhớ để nhớ bài… Đó cũng là những cách để khắc phục các vấn đề về sức khoẻ ở người cao tuổi”.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV