Sau 2 thập kỷ, một người giàu có gia tăng 12 năm tuổi thọ, trong khi người nghèo chỉ tăng được 5 năm.
Ngày càng có sự chênh lệch lớn giữa tuổi thọ của người dân có thu nhập cao và thu nhập thấp |
Trong những thập kỷ gần đây, giáo dục, công nghệ và dịch vụ chăm sóc y tế đã có những cú nhảy vọt. Điều này góp phần lớn vào việc gia tăng tuổi thọ của con người.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Brookings, Hoa Kỳ mới đây chỉ ra rằng: ngày càng có một sự chênh lệch lớn giữa tuổi thọ của người dân có thu nhập cao và thu nhập thấp. Người giàu thì sẽ ngày càng sống lâu hơn người nghèo.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học lấy mẫu thống kê từ hai nhóm đối tượng ở Mỹ: những người sinh năm 1920 và 1940. Tuổi thọ của 10% người có thu nhập cao nhất và 10% có thu nhập thấp của hai nhóm sẽ được so sánh.
Theo đó, với 2 thập kỷ phát triển của y tế, tuổi thọ của những người có thu nhập thấp chỉ tăng thêm 3%. Trong khi đó, những người thuộc nhóm giàu có tăng tới 28%.
Với tỉ lệ này, một người đàn ông giàu có sinh năm 1920 sẽ sống lâu hơn người đàn ông nghèo 5 năm. Tuy nhiên, tới năm 1940, con số chênh lệch tăng lên tới 12 năm. Trong phần còn lại của thống kê, những người phụ nữ giàu có sẽ nới rộng khoảng cách này từ 4 năm lên 10 năm.
Biểu đồ trong nghiên cứu của Viện Brookings |
Trong một buổi phỏng vấn, nhà kinh tế học Gary Burtless, đồng tác giả nghiên cứu cho biết lí do đằng sau xu hướng này vẫn chưa rõ rằng. Mặc dù, ông tin nó đến từ sự khác biệt lối sống của những người giàu có.
“Những người Mỹ giàu hơn có xu hướng tham gia nhiều bài tập thể dục có hệ thống”, Burtless nói. “Họ có ít khả năng béo phì. Tỷ lệ hút thuốc của họ thấp hơn. Những khác biệt này có thể giải thích phần nào sự khác biệt về tuổi thọ”.
Mặc dù vậy, Burtless cũng cho biết những khác biệt lối sống chỉ chiếm một phần năm sự gia tăng nguy cơ tử vong ở người nghèo. Một tác động cực kì tiêu cực khác đã được tính đến là sử dụng ma túy bất hợp pháp. Tuy nhiên, có một cái gì đó làm nền tảng cho tất cả. Burtless kết luận: “Có thể nó là ảnh hưởng của bất bình đẳng thu nhập tác động trong suốt cuộc đời họ”.
Theo Trí thức trẻ