Bước vào những trang sách của Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời, tựa như ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...

{keywords}
 

Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động. 

Tác giả Vũ Thế Long năm nay 75 tuổi. Ông chia sẻ: "Tôi liều viết về chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội vì cứ chủ quan nghĩ rằng đã là người Hà Nội thì thế nào cũng viết được. Cầm bút lên mới thấy bí. Ngay định nghĩa thế nào là người Hà Nội cũng đã bí rồi. Đâu cứ phải sống lâu ở Hà Nội hay tổ tiên gốc gác nhiều đời ở Hà Nội thì mới là người Hà Nội!".

 

Sách tặng kèm 1 bộ postcard 6 tấm về Hà Nội do họa sĩ Pháp Jean-marc Potlet thực hiện.

Tác giả cho biết, ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới.

Để tìm cách tiếp cận được với văn hóa ăn uống của Hà Nội, Việt Nam, tác giả viết ra những gì mà một người ở lứa tuổi như ông được sống ở Hà Nội biết được mình đã uống gì, ăn gì; gia đình những người quanh mình ở các lứa tuổi, các thế hệ đã ăn uống ra sao; may ra có chút lợi ích gì chăng cho công cuộc tìm hiểu và bảo tồn văn hóa ăn uống của người Hà Nội chúng ta.                    

"Để hiểu được phần nào về đồ ăn thức uống và lối ăn uống của người Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, tôi đã tìm gặp các cụ cao niên ở Hà Nội để xin nghe kể về cái sự ăn, sự uống đơn giản cũng như cầu kỳ, chuyện đời thường mà các cụ đã từng trải trong cuộc đời mình. Thêm vào đó là tự nghiệm của chính tôi: một người sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 20 đầy biến động", tác giả Vũ Thế Long chia sẻ.

Tác giả Vũ Thế Long là tiến sĩ, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lịch sử văn hóa; nguyên Trưởng ban nghiên cứu con người và môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông hiện là Thư ký Câu lạc bộ Văn hóa Nghệ thuật Ăn uống (thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); Ủy viên chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Các đoạn trích sách:

Thoạt đầu, khi mới đem bia ra bán, dân Hà Nội nhiều người còn bỡ ngỡ. Trừ một số công chức hay những người đã sống lâu ở thành thị thì thỉnh thoảng có uống bia, còn đa số người Hà Nội mới về sống ở Thủ đô từ sau giải phóng chưa quen với thứ giải khát này. Cửa hàng bia lúc đầu thưa thớt, vắng tanh. Lúc ấy, thương nghiệp phải tìm đủ mọi cách để tiêu thụ lượng bia sản xuất được. Người ta bán bia hòa lẫn với si rô để có vị ngọt dễ uống hay bia kèm theo một đĩa đường kính. Có cửa hàng kem ở Gia Lâm lại bán bia kèm theo chiếc kem que thả vào trong cốc mà chẳng hiểu sao lũ bạn tôi lại gọi thứ bia kem ấy là “kem cối”. (Người Hà Nội và bia)

Tôi còn nhớ có những lần đi công tác miền núi, lỡ bữa, trời thì sẩm tối. Vào cửa hàng ăn uống mậu dịch, tuy có mang theo tem gạo nhưng đến muộn, hết cơm phục vụ khách, bụng đói meo. Cửa hàng trưởng thấy trong đoàn có các giáo sư đi công tác vất vả chẳng nhẽ để đói. Cuối cùng, họ quyết định “xuất kho” món phục vụ khách ăn sáng hôm sau. Đó là món “Phở đậu phụ” chan nước xương hầm. Ngày ấy người ta gọi loại mì, phở không có thịt này là “mì không người lái” bởi lúc bấy giờ, Mỹ dùng máy bay không người lái bay vào do thám bầu trời miền Bắc. Mì, phở không có thịt thì khác gì tàu bay không người lái. Thế là cụm từ “Mì, phở không người lái” xuất hiện. Có đủ các loại mì, phở “chay” như: phở đậu phụ, phở lạc và cả phở dưa chua nữa. (Nửa đời “ăn chay”)

Ngày ấy, mỗi lần quạt chả là cả cái xóm phố nhỏ của tôi bị điếc mũi vì mùi chả nướng. Hàng xóm kháo nhau: Nhà ấy lại ăn sang rồi! Mẹ chỉ cười: “Có ba lạng thịt cả chục miệng ăn! Sang thật đấy!” Mẹ tôi cầu kỳ lắm, mỗi khi đun bếp, bà lấy cái cặp tre nhặt những viên than củi hồng, nhúng vào cái ống bơ đựng nước để bên, bà gọi là “tôi than”. Những viên than đã tôi được tích lại trong cái bị treo cạnh bếp củi. Bà bảo, nướng chả thì phải nướng bằng than củi nó mới thơm, mới ngon. Những giọt mỡ chảy ra từ miếng thịt nhỏ xuống cục than hồng bốc khói xèo xèo, tỏa ra một hương vị thật hấp dẫn. Cái mùi chả nướng ấy mà nó ám vào tóc thì phải gội đầu mới sạch, vì thế khi quạt chả, bao giờ bà cũng cuốn khăn bịt tóc… Mẹ qua đời đã lâu nhưng cứ đến ngày giỗ mẹ, mấy chị em chúng tôi lại làm món bún chả đặt lên mâm cỗ dâng mẹ. (Ngửi mùi chả)

Tình Lê

Sự nghiệp của ba người khổng lồ

Sự nghiệp của ba người khổng lồ

“Những cuộc đời” của Giorgio Vasari được coi là tác phẩm đầu tiên của thể loại phê bình nghệ thuật, cũng là nguồn thông tin đương thời về nhiều bậc thầy của hội họa, điêu khắc và kiến trúc thời kỳ Phục Hưng tại Italia.