- UBND xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường tại tuyến đường liên thôn. Điều khiến người dân ngỡ ngàng là rất nhiều cây xanh cũng bị đốn hạ.
Trong đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè theo chủ trương chung của TP.Hà Nội, UBND xã Cẩm Yên cũng ra quân quyết liệt dọn vỉa hè ở tuyến đường liên thôn.
Hàng loạt cây xanh bị đốn hạ trong chiến dịch đòi lại vỉa hè của xã Cẩm Yên |
Trong quá trình đó, chính quyền xã Cẩm Yên trong ngày 15/3 đã huy động ô tô tải, máy cưa điện đi chặt toàn bộ cây xanh của người dân trồng ven đường liên thôn với lý do để thông thoáng vỉa hè.
Nhiều người dân bày tỏ: “Chúng tôi trồng một số cây sấu trước cửa để tạo bóng mát, thế nhưng đã bị chặt hết, trong khi không ảnh hưởng gì đến việc đi lại”.
Gốc của một cây xanh bị đốn hại trong chiến dịch |
Cũng theo người dân, hàng cây 2 bên đường liên thôn Yên Lỗ (xã Cẩm Yên) đã tồn tại cả chục năm nay, có những cây cổ thụ cũng bị chính quyền chặt bỏ.
Được biết, tuyến đường bê tông liên 3 thôn gồm Yên Lỗ, Cẩm Đào, Kinh Đạ dài khoảng 3km.
Người dân xã Cẩm Yên cho biết, cây xanh được trồng hai bên đường, thuộc phần đất công nhưng không ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến đường liên thôn, hoàn toàn không lấn ra phần đường bê tông rộng khoảng 3,5m.
Người dân khẳng định những cây xanh không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân |
Trong số hàng loạt cây xanh bị chặt bỏ, có một cây đa cổ thụ nằm ở ngã ba đường (thuộc thôn Cẩm Đào) cũng bị đốn hạ.
Cây xanh lấn đường nên phải chặt?
Ông Phạm Ngọc Kỳ, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Yên cho biết, việc chặt hạ cây xanh hai bên đường liên thôn là thực hiện chủ trương lập lại trật tự vỉa hè lòng đường của UBND TP.Hà Nội.
Ông Kỳ khẳng định, chính quyền xã Cẩm Yên xác định cây xanh hai bên đường gây cản trở giao thông, lấn đường nên phải chặt hạ.
Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn xác nhận, đã nắm được thông tin.
Theo ông Hoàn, việc địa phương chặt hạ các cây xanh ven đường liên thôn là nhằm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.
"Ở đây, các cây xanh này nằm ở giữa, mép đường có liên quan đến vi phạm hành lang giao thông nên chính quyền địa phương giải tỏa.
Việc chính quyền địa phương làm cũng đúng. Còn liên quan đến quy hoạch sẽ phải tiến hành trồng lại cây cho phù hợp. Tôi sẽ kiểm tra thêm việc này", lời ông Hoàn.
Một gốc cây khá lớn bị chặt trong chiến dịch dẹp lòng đường, vỉa hè của xã |
Một cấy xanh ở mép hồ cũng bị chặt |
Một lãnh đạo xã Cẩm Yên cũng cho hay: "Thực tế, đường liên thôn, xã rất hẹp trong khi các cây mà người dân trồng đều trên đất công, cạnh mép, hành lang đường, gây ảnh hưởng đến giao thông nên phải tiến hành chặt bỏ nhằm đảm bảo an toàn”.
Vị này cho biết thêm: Trong quá trình chặt, ngoài các cây mới trồng thì cũng có một số cây được trồng trong khoảng 10 năm trở lại đây."Thực tế, khi chặt cây này mà không chặt cây kia cũng khó.
Vì vậy, có cây mới trồng được 1 - 2 năm nhưng cũng có cây trồng đến 10 năm vẫn phải chặt, bởi đường rất hẹp", vị này nói thêm.
Ông này cũng khẳng định: Hiện, xã cũng chưa có thống kê cụ thể về số lượng cây bị chặt. Trước mắt chúng tôi mới tiến hành chặt cây, còn tới đây sẽ vận động các hộ dân dẹp bỏ mái che, mái vẩy, bậc lên xuống nhà gây ảnh hưởng đến giao thông. Nếu hộ nào không thực hiện sẽ giải tỏa".
Hà Nội: 1 ô tô đỗ vỉa hè, 4 cơ quan vào cuộc
Xử lý một ô tô dừng đỗ sai quy định, UBND phường Trung Tự phải "nhờ" 3 cơ quan cùng vào cuộc.
Trả vỉa hè, dân treo hàng lơ lửng cành cây kiếm sống
Một số người dân nhiều năm qua bán hàng trên vỉa hè Hà Nội đã nghĩ ra cách bán mới: Treo hàng trên cành cây.
Dẹp vỉa hè, người Hà Nội tự phá cửa nhà
Nhiều nhà trên phố Hào Nam đã phá bỏ cửa nhà lấn vỉa hè, xây lại bậc tam cấp thụt vào bên trong.
Nhị Tiến