- Tại chương trình “Café sáng cuối tuần” phát sóng trên kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam ngày 15/10 với chủ đề bạo lực học đường, các khách mời đã cùng bàn luận về nguyên nhân và biện pháp xử lý, giảm thiểu những tác động về mặt tinh thần với học sinh.
Thời gian gần đây, hàng trăm clip tự quay về bạo lực học đường đươc chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook.
Những clip này là cú sốc lớn đối với các phụ huynh và toàn xã hội khi tất cả vẫn tưởng rằng trẻ em khi đến trường đều chuyên tâm học hành, được đùm bọc trong sự yêu thương của thầy cô và bạn bè.
Điều đáng nói, các em gần như không biết được hậu quả nghiêm trọng của những hành động mà mình gây ra cho bạn. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các vị phụ huynh về trách nhiệm hướng dẫn và bảo vệ con em mình và hành động trước khi có bất kỳ một sự việc đáng tiếc nào xảy ra.
Phân tích nguyên nhân bạo lực học đường ngày càng tăng, chị Mai Thị Bưởi, Quản lý chương trình trẻ em Trung tâm CASGA chia sẻ: “Thứ nhất, các em không biết rằng mình sẽ ứng xử như thế nào khi có mâu thuẫn với bạn bè. Thứ hai, khi các em phạm lỗi thì thông thường sẽ bị người lớn xử phạt bằng cách đánh, mắng... Vô tình, cách ứng xử của người lớn như thế khiến cho các bạn tưởng rằng đó là cách giải quyết vấn đề”.
Anh Lê Thanh Hùng (Báo điện tử VietNamNet) cho rằng nguyên nhân không chỉ do quản lý phía nhà trường, gia đình mà một phần còn do ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội Facebook nếu các em không biết chắt lọc thông tin và có quan điểm cá nhân.
Theo chị Mai Thị Bưởi, khi làm những nghiên cứu và nói chuyện trực tiếp với học sinh thì nhận thấy các em không biết được rằng những hành động đó gây tổn thương cho bạn. “Các em nghĩ đơn giản bạn làm sai thì đương nhiên phải chịu trừng phạt”.
Trong các vụ việc, những em bị bạo lực thường không chống trả và muốn giấu nhẹm chuyện đó đi, không muốn nói ra để giữ an toàn cho mình.
Anh Hùng cho hay học sinh từng bị đánh chia sẻ khi đứng giữa một vòng vây xung quanh đều dồn vào mình, số khác thì đứng ngoài nhìn và im lặng, có bạn thì cổ súy việc đánh đó... các em rơi vào một tâm thế gần như vô vọng và không còn biết phải làm thế nào. Do đó, việc các em không có hành vi chống trả là điều... dễ hiểu.
“Khi clip tung lên mạng xã hội không chỉ những em bị đánh mà ngay cả những học sinh đánh bạn cũng phải chịu những sức ép về mặt tâm lý rất lớn. Những ảnh hưởng về tinh thần đôi khi còn lớn gấp nhiều lần những tác động về thể xác” - anh Hùng nói.
Tuy nhiên, anh Hùng cũng cho rằng việc ghi lại clip được xem là tích cực khi không phát tán rộng rãi mà để làm bằng chứng cung cấp cho nhà trường hay các cơ quan chức năng xử lý những sự việc đó.
Thế nhưng, chị Bưởi bày tỏ băn khoăn khi các em không biết gửi clip quay được cho ai và lo sợ liệu việc mình làm có được đảm bảo an toàn. Do đó, ở các nhà trường cần phải có cơ chế để tiếp nhận những clip đó và đảm bảo bảo mật...
Bàn về giải pháp, anh Hùng cho rằng mục tiêu của giáo dục không phải để kỷ luật học sinh mà cần khơi dậy trong các em những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Do đó vai trò của nhà trường và các giáo viên là hết sức quan trọng.
Đồng quan điểm, chị Bưởi cũng cho rằng cần có những kỷ luật theo hướng tích cực. “Nếu phạm lỗi, các em cần nhận được kỷ luật tích cực để các em nhận ra lỗi của mình và không lặp lại điều đó nữa".
Với các nạn nhân, người lớn cần lắng nghe và mỗi ngày nên dành thời gian với con. “Con trẻ sẽ không bao giờ chia sẻ nếu vừa nói chúng ta đã ngay lập tức có những phán xét với các em... Và khi các em nói ra, thay vì nói con nên làm thế này thế kia, thì nên thảo luận nên làm như thế nào và cách nào thì tốt nhất".
Các vị khách mời đều thống nhất rằng chính người lớn cũng cần phải nhìn nhận lại mình một cách nghiêm khắc, để có thể cho các em một chỗ dựa, một tấm gương nhìn vào...
Thanh Hùng