Doanh thu sách Hàn Quốc gấp 52 lần với dân số bằng nửa Việt Nam

Tại sự kiện trực tuyến, ông Lê Hoàng chia sẻ về văn hóa đọc cùng những trăn trở về phát triển ngành Xuất bản trong tương lai trước 200 sinh viên Khoa Xuất bản ĐH Văn hoá TP.HCM. 

Ông cho biết, văn hóa đọc là khái niệm hay bị đánh lẫn với các khái niệm tương tự. Vì thế, xem xét văn hóa đọc không chỉ ở phương diện cá nhân mà còn ở bình diện quốc gia. Việc phát triển văn hóa đọc cá nhân tập trung vào 3 thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

{keywords}
Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Ông Lê Hoàng dẫn chứng số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản), trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, tỷ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do dịch bệnh mà con số này giảm xuống 4,13 đầu sách/người.

"Như vậy sau 7 năm, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ tăng vỏn vẹn 12%. Hơn 400 triệu bản sách phát hành đã có hơn 300 triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xông xênh 1 đầu sách/người. Chỉ số này nói lên rằng sức đọc của người Việt rất thấp. Đây là điều chúng tôi luôn luôn trăn trở", ông nói.

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ một bảng xếp hạng vừa công bố, trong Top 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, không có Việt Nam. Ông chỉ ra, tỷ lệ đọc của một số quốc gia Đông Nam Á cao vì có chính sách phát triển thói quen đọc. Chẳng hạn ở Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Ở Hàn Quốc, cha mẹ đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Ở Thái Lan, một khảo sát trên 55.000 người chỉ ra thời gian đọc trung bình ở các độ tuổi lần lượt là: 71 phút/tuần với trẻ em, 94 phút/tuần với thanh nhiên, 61 phút/tuần với người lao động,... Cập nhật mới nhất, tỷ lệ đọc của người Malaysia đã lên đến 17 đầu sách/năm.

Ông cũng dẫn chứng doanh thu - những con số biết nói. Theo số liệu từ Cục Xuất bản năm 2017, doanh thu sách chia theo đầu người của người Việt đạt 2 USD/người/năm (hơn 45 nghìn đồng). Doanh thu của Malaysia hơn 4,64 lần dù dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam. Doanh thu của Thái Lan hơn 5,33 lần với dân số chỉ hơn 1/2 Việt Nam. Doanh thu của Hàn Quốc hơn 52 lần với dân số bằng 1/2 Việt Nam. 

"Tất cả con số đó đều biết nói. Văn hóa đọc thấp tất yếu bức tranh tiêu thụ sách của chúng ta không sáng sủa. Việc đọc lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ thành hình thói quen đọc. Văn hóa đọc cao góp phần vào sự phát triển của ngành xuất bản và cao hơn là sự phát triển của đất nước", ông nói. 

Vì đâu nên nỗi?

Theo ông Lê Hoàng, vấn đề đến từ cả 3 phía nhà trường, gia đình và ngành xuất bản. Nhà trường hiện thiếu tiết đọc sách chính thức trong thời khóa biểu; ở gia đình, cha mẹ không thực sự quan tâm phát triển thói quen đọc cho con từ bé còn các nhà xuất bản và công ty sách chưa thật sự quan tâm công tác thị trường và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Ông dẫn lời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói, nếu dúi một quyển sách vào tay đứa trẻ 14-15 tuổi đang say mê trò chơi điện tử, ép các em đọc với lý do cao cả như nâng cao kiến thức hay vì tương lai là quá muộn màng và nhọc nhằn. "Giống như ép một người đổi chuyến bay khi máy bay đã cất cánh vậy - một so sánh rất hay của anh Ánh", ông nói. 

{keywords}
Hơn 200 sinh viên Khoa Xuất bản Trường ĐH Văn hoá TP.HCM tham gia tọa đàm.

Dù vậy, ông Lê Hoàng cho rằng ngành xuất bản Việt Nam may mắn khi nhận sự quan tâm của cấp quản lý thể hiện qua luật, văn bản dưới luật và các chính sách liên quan. Theo ông, các giải pháp có thể thực hiện ngay để phát triển văn hóa đọc là đưa tiết đọc sách vào nhà trường, phát triển mô hình tủ sách gia đình, tăng cường sự kiện sách online...

"Tôi luôn đau đáu chuyện kinh doanh xuất bản phẩm. Chúng ta phải thay đổi sao cho từ chú giữ xe, chị tiếp tân đến đội ngũ biên tập viên đều chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy để phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Chúng ta chưa phát huy phương châm cao nhất là bán cái người ta cần mua chứ không phải cái chúng ta muốn. Phương châm này ai cũng biết nhưng phát huy đến mức cao nhất thì chưa", ông cho hay.

Điểm sáng giữa dịch bệnh

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho hay thực trạng đơn vị xuất bản và phát hành đang gặp khó khăn rất lớn. Trong 4 tháng thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội ở TP.HCM, doanh thu nhiều đơn vị gần như trở về con số 0, đơn hàng online nhiều nhưng không giao được. Sau ngày 1/10, thách thức vẫn còn đó vì dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng.

Điểm sáng trong thời dịch, theo ông, là nhu cầu đọc sách luôn còn đó. Ông dẫn chứng, nhiều chương trình đưa sách vào khu phong tỏa, cách ly cũng như tặng gói cước đọc sách điện tử, nghe sách nói được người dân đón nhận nồng nhiệt. Trong thời dịch, số đơn hàng trên các kênh bán sách trực tuyến tăng vọt. NXB Trẻ thông tin lượng đơn hàng online tăng đến 70%.

{keywords}
Đường sách TP.HCM.

"Nhu cầu đọc trong thời dịch không bị triệt tiêu mà còn tăng lên. Ngay khi Đường sách TP.HCM mở lại hôm 9/10, chúng tôi tưởng ít người đến nhưng hiện phải bố trí thêm cộng tác viên đón khách vì người đến tham quan quá đông, doanh thu hôm 9/10 vượt ngoài mong đợi", ông tiết lộ. 

Cuối cùng, ông Lê Hoàng khẳng định xuất bản phẩm điện tử là tương lai của ngành xuất bản. Bán hàng online sẽ trở thành xu thế mới, đòi hỏi công tác truyền thông phải ngày càng mạnh mới đáp ứng được yêu cầu. 

Trước vấn đề văn hóa nghe, nhìn lấn át văn hóa đọc, ông hỏi ngược: Vậy thì văn hóa nghe, nhìn có triệt tiêu văn hóa đọc không? Theo ông, văn hóa nghe, nhìn thiên về giải trí còn văn hóa đọc thiên về giáo dục. Trong đó, nhiều loại hình nghe, nhìn tiềm ẩn nguy cơ khôn lường đối với trẻ em. Chính vì nhận ra lợi ích giáo dục từ đọc sách, các cha mẹ mới quay về với văn hóa đọc, tìm mua sách cho con mình. "Văn hóa nghe, nhìn chắc chắn không xấu nếu bạn biết chọn đúng đối tượng nghe, nhìn. Điều tôi mong muốn là tạo thế cân bằng giữa nghe, nhìn và đọc", ông kết luận.

Gia Bảo 

Vì sao cần phải xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ sớm?

Vì sao cần phải xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ sớm?

"Đọc sách là điều không thể thiếu, góp phần bồi dưỡng tri thức, tâm hồn, xoa dịu nỗi đau, sự mất mát trong rất nhiều người", diễn giả Nguyễn Kim Thoa chia sẻ.