Đồng Hỷ là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, hiện có 54% dân số là người dân tộc thiểu số, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa. Người dân chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp. Những năm qua, huyện Đồng Hỷ có kế hoạch, giải pháp, huy động tổng hợp các nguồn lực để giảm nghèo bền vững. 

Tại đây, hộ nghèo, cận nghèo được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, như hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ học sinh ăn trưa, miễn giảm học phí, chi phí học tập, cấp thẻ bảo hiểm y tế... giúp người dân giảm áp lực trong cuộc sống, huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, giảm gánh nặng về chi phí khi ốm đau, bệnh tật.

Đặc biệt, huyện Đồng Hỷ chú trọng thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân bằng việc tổ chức nhiều ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động.

W-Giảm nghèo dân tộc.jpg
Đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cải thiện nhờ các chính sách giảm nghèo bền vững. 

Huyện xác định tín dụng chính sách là kênh dẫn vốn quan trọng, tạo nguồn lực cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, hơn 3.700 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay hơn 270 tỷ đồng để phát triển kinh tế, sử dụng vốn vay hiệu quả. 

Xã Quang Sơn thuộc huyện Đồng Hỷ hiện có 866 hộ dân, sinh sống trên địa bàn 7 xóm. Tại xã này, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, tập trung ở 2 xóm Lân Đăm, Trung Sơn. Lân Đăm có 100% số hộ là người dân tộc H'Mông, 18/21 hộ thuộc diện nghèo, 1 hộ cận nghèo. Trung Sơn có 76% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 21/110 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo.

Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ đã triển khai đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền nâng cao nhận thức, đến các biện pháp can thiệp thực tiễn như hỗ trợ vay vốn thông qua tín chấp; hỗ trợ cây, con giống...

Lãnh đạo xã Quang Sơn cho biết phương châm “đi từng ngõ, vào từng nhà, gặp từng người, kiên trì, khéo léo”, các tổ chức chính trị - xã hội của xã đã cùng vào cuộc, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. 

Cũng trong năm, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã đăng ký nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2023, xã có 333 hộ được vay tổng số vốn trên 16,6 tỷ đồng, trong đó 42 hộ nghèo, cận nghèo được vay 2,4 tỷ đồng.

47 hộ nghèo, cận nghèo trong xã Quang Sơn cũng được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững, thông qua dự án chăn nuôi gà đen vùng đồng bào dân tộc H'Mông. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 70% giá giống; 55% giá cám hỗn hợp; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ thuốc thú y (gồm hóa chất sát trùng, vắc xin phòng bệnh, thuốc bổ và kháng sinh điều trị một số bệnh thường gặp trên gà).

Qua đánh giá thực hiện mô hình cho thấy giống gà H’Mông có sức đề kháng cao, chống chịu với điều kiện tự nhiên tốt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của các hộ đồng bào dân tộc H'Mông ở địa phương. Sau khi trừ chi phí, hiệu quả kinh tế của mô hình đạt trên 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hộ dân có thể lựa chọn những con gà có chất lượng tốt làm giống, nhân rộng mô hình cho hộ lân cận nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hộ nghèo, cận nghèo tại xã Quang Sơn còn được tham gia mô hình hỗ trợ giống cây na, cây chè, cây lương thực và phân bón... Trong khi đó, 10 hộ dân tộc thiểu số sinh sống tại xóm đặc biệt khó khăn của xã được hưởng lợi từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản, với tổng số tiền 263 triệu đồng.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, năm 2023, xã Quang Sơn đã giảm được 9 hộ nghèo, trong đó có 8 hộ dân tộc thiểu số. Toàn xã hiện còn 53 hộ nghèo (chiếm 6,21%) và 33 hộ cận nghèo (chiếm 3,8%).

Các chương trình, dự án đã tác động trực tiếp làm giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Chỉ tính riêng trong hai năm 2022 và 2023, trên địa bàn huyện có 1.552 hộ thoát nghèo mang tính bền vững. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,5% số hộ, phấn đấu năm 2024 giảm hơn 2% trong tổng số hộ nghèo.