- "Một giọt từ sự đọa đầy" - tác phẩm tiếp theo được trông đợi sau thành công bất ngờ của Hamvas Bela với "Câu chuyện vô hình và đảo" (2012) đã ra mắt, và hoàn toàn không làm thất vọng.
Đã có ít nhất 2 tọa đàm của giới trí thức về Hamvas
Bela trong năm nay, quả là một hiện tượng hiếm có khi một tác giả vốn xa
lạ lại được giới hàn lâm được đặc biệt chú ý đến thế. Sau khi gây bất
ngờ cho một bộ phận độc giả tri thức tại Việt Nam với "Câu chuyện vô hình và đảo" (2012), thì "Một giọt từ sự đọa đầy"
(2014) - do dịch giả Hồng Nhung tiếp tục dịch từ nguyên bản tiếng
Hungary - lại tiếp tục khai mở những vấn đề mới, những cái cao cả và tăm
tối đang hiện hữu.
"Một giọt từ sự đọa đầy" ra mắt bản tiếng Việt tháng 7/2014.
Tất nhiên, sách của
Hamvas Bela sẽ không ngấm được dễ dàng, ngay cả với những người đã cất
công đọc chúng và nghiền ngẫm từng con chữ. Bởi nó đi ngược lại rất
nhiều thói quen, nếp nghĩ thường nhật đã ăn sâu vào đời sống xã hội nói
chung lẫn đời sống tinh thần nói riêng. Nó cần thời gian để thẩm thấu.
Nhưng với những người tìm kiếm một điều gì đó thanh khiết, thì Hamvas
Bela là một sự lựa chọn hoàn toàn xứng đáng và đáng bỏ công.
Trong 20 tiểu luận của mình, ông tìm kiếm một sự
trong sạch toàn hảo, và bởi thế ông phủ nhận - đồng thời lên án những
thói xấu trong đời sống. Ông phân tích, cho rằng chúng nảy sinh từ tính
sở hữu, thói dối trá và nỗi sợ hãi. Không một chút ve vuốt, ông thanh
lọc đời sống bằng một giọng văn chắc chắn và kiên quyết, không phải
không có phần khái quát quá độ.
Ông cũng cho rằng tư duy duy vật đang kéo lùi đời
sống cũng như đạo đức con người từ bên trong. Những lập luận kiên quyết
của ông có thể làm cho những độc giả không quen thuộc với thể loại này
bị dội, nhưng chắc chắn lối phân tích quy hồi về cổ điển của Hamvas Bela
là một viên ngọc quý cho những ai tìm kiếm một sự lý giải giữa đời sống
thường nhật còn nhiều lo lắng, bất an.
Có thể chọn ra hai tiểu luận/hai chương dễ tiếp cận
nhất trong số 20 tiểu luận của tập sách này. Đó là chương tựa "Một giọt
từ sự đọa đầy" - tự thuật của Hamvas Bela về quá trình chuyển hóa của cá
nhân ông từ sự tăm tối lên ánh sáng - bắt đầu từ việc tiết thực trong
40 giờ liên tục, lặp lại nhiều lần trong một khoảng thời gian; và chương
"Đạo đức thẳng thừng và lương tâm cắn rứt" - nơi ông phát lộ tiếng nói
của Lương tâm. Ông nói rằng Lương tâm là tiếng nói mạnh mẽ nhất để chống
lại sự phục tùng và thích nghi của con người trước thói đạo đức giả và
sự dối trá.
Hamvas Bela - một đại diện đáng kể của triết học tâm linh.
Ông viết: "Lương tâm là một nỗi ám ảnh đặc thù. Lương tâm không thực dụng, và đặc biệt không duy vật. Ngoài ra, lương tâm tuyệt đối không giấu giếm tất cả những điều này.
Trong nó không có chủ nghĩa cơ hội, nó
không là kẻ hợp lý, không hề là một chính trị gia thực tiễn, đế mức
không cả tỉnh táo. Bản năng chiến thuật của nó bằng không, nó không coi
trọng sự giàu sang, đừng nói đến danh vọng. Lương tâm không bao giờ
thích nghi, không bắt được nó thích nghi, và nếu con người thích nghi,
lương tâm trong trường hợp này chính là mâu thuẫn của họ.
Lương tâm cắn rứt trước tiên là việc
riêng. Con người bắt buộc chứng minh mình trước lương tâm. Bên cạnh sự
thích nghi, con người cần đưa ra các lí lẽ, cần bảo vệ bản thân trước
lương tâm. Và nếu sự thích nghi vẫn tiếp tục, hành vi biện chứng dùng để
chống lại lương tâm sẽ trở nên sâu đậm, và con người cần đến sự chống
trả thường xuyên.
Vậy là theo thứ tự, con người không chỉ nói dối, mà còn phải chứng minh là nó đúng.
Người
ta xây dựng các thế giới quan không vì quyền lợi của sự thật, mà để
chống lại một lương tâm cắt rứt. Thế giới quan là căn nhà trí thức,
trong đó con người giấu sự sợ hãi run rẩy của nó".
Nhưng rốt cục, Hamvas cho rằng con người có khả năng
phục hồi, khi nó nhận biết hoàn toàn về tình thế của nó và tìm về sự
thật bên trong mình. Như trong chương tự thuật về trải nghiệm cá nhân
"Một giọt từ sự đọa đầy", ông viết.
"Từ trước tới nay, tôi mới chỉ hiểu những năm
tháng tăm tối một cách tiêu cực. Ý nghĩa đích thực của nó giờ đây tôi
mới tìm thấy. Đấy là sự thần bí của tội lỗi và địa ngục và sự đọa đầy.
Cần phải bước qua nó, như đi qua cái chết".
Hồ Hương Giang