- Thời gian qua, thông tin về tình trạng sức khỏe suy yếu của cụ rùa Hồ Gươm khiến nhiều người phải xót lòng lo lắng. Với những người dân phố cổ gắn bó và "sống bên" cụ rùa bao năm nay, nỗi lo lắng, xót xa ấy càng lớn gấp nhiều lần.

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.

Hà Nội chốt cách chữa trị, cụ rùa lại nổi
Cùng hiến kế cứu cụ rùa Hồ Gươm


Vắng cụ, Hồ Gươm mất thiêng!

Một ngày dạo vài vòng quanh Hồ Gươm cho thư thái, góp với nhau dăm ba câu chuyện đời thường bên hồ để cuộc sống bớt đi phần nặng nhọc đã là thói quen của nhiều người dân phố cổ. Song, những ngày qua, những câu chuyện bên hồ của họ đã ít nhiều thay đổi đề tài. Không còn là những câu chuyện vu vơ trải lòng nữa, mà hầu như ai cũng nhắc đến cụ rùa, lo lắng cho sinh mệnh và sức khỏe của cụ.

Nếu Hồ Gươm mà vắng cụ rùa thì còn đâu Hồ Gươm linh thiêng?
“Tôi đoán thế nào hôm nay cụ cũng nổi, phải ra đây để tận mắt trông cụ, xem cụ thế nào. Mấy hôm nay xem đài báo, thấy bảo cụ yếu lắm rồi, khắp người đầy vết thương tôi lo lắm!” - ông Nguyễn Văn Đông, nhà ở phố Hàng Bạc chia sẻ.

Mặc dù đã gần tám mươi tuổi, đôi chân đi đã phải chống gậy, đôi tay đã run lắm rồi, nhưng ông vẫn nhất quyết đòi ra đây ngồi “chờ” cụ.

Ông dẫn theo một đứa cháu trai năm nay tám tuổi đi cùng. Thằng bé ngoan ngoãn ngồi bên, cũng chăm chú dõi mắt ra hồ.

“Cháu nội tôi từng này tuổi mà chưa nhìn thấy cụ rùa nổi bao giờ. Ngày xưa, người nào được trông thấy cụ là gặp may lắm. Thế mà bây giờ người ta còn bàn cách đưa cụ lên..” - ông Đông lắc đầu buồn bã, nén tiếng thở dài.

Ông bảo, nhìn thấy Hồ Gươm đông người lắm, ai cũng xôn xao bàn về cụ rùa làm ông càng lo hơn. Ông còn thấy lắm anh tay lăm lăm máy ảnh, máy quay chắc là nhà báo đi quay phim, chụp hình, đứng ngồi không yên, chắc cũng đang “canh” cụ nổi.

Ông Đông xót xa cảm thán: “Nước hồ xanh rớt thế kia, người bị ngứa còn bệnh nữa là cụ đã vài trăm tuổi! Đau xót lắm. Nếu Hồ Gươm mà vắng cụ rùa thì còn đâu Hồ Gươm linh thiêng?”.

Không chỉ xót xa, không ít người con tỏ nỗi bất bình, vừa giận, vừa thương thay cho Hồ Gươm cổ kính và cụ rùa vài trăm trăm tuổi. Bà Nguyễn Thị Mai- phố Đinh Liệt gay gắt nói: “Ngày thường xả rác ngày thường, ngày lễ xả rác ngày lễ. Nhà hàng, quán ăn ven hồ nước thải đổ đi đâu? Người này đổ người kia, người kia đổ người nọ, tôi thấy bảo hội thảo bàn đi bàn lại cách cứu cụ rùa, cứu gì thì cứu, ý thức dân mà kém, thì cụ còn ốm, còn bệnh!”.

Cụ sẽ bình an vô sự

Dẫu lo lắng là thế nhưng nhiều người dân Hà Nội vẫn tin tưởng cụ rùa sẽ bình an vô sự, “tai qua nạn khỏi”.

“Cụ sẽ không mệnh hệ gì đâu! Thủ đô vừa mới mừng sinh nhật nghìn tuổi, cụ rùa cũng sẽ còn trường thọ!” - ông Bách, 77 tuổi, ở Cầu Gỗ tin tưởng nói.

Từ khi có thông tin cụ rùa Hồ Gươm bị ốm, ông đã theo dõi khá sát sao những thông tin về cụ. Từ tình hình bệnh tật tới những phương án “giải cứu”, ông đều biết.
Cũng vì thế, ông khẳng định: “Người cũng còn có lúc ốm lúc đau, nữa là cụ rùa tuổi cao, sức yếu. Thế nhưng tôi tin là sẽ có phương án khoa học phù hợp để chữa chạy cho cụ. Chúng ta còn được thế giới người ta giúp đỡ nữa cơ mà”.

Chị Thanh (nhà ở Phố Huế) cùng chồng và con trai dạo chơi ở Hồ Gươm chia sẻ: “Đọc báo mạng, thấy cảnh cụ gặm ống cao su, rồi rùa tai đỏ trèo cả lên lưng cụ đến mình còn hoảng! Nhưng cụ rùa linh thiêng lắm, khoa học cũng phát triển, làm sao để cụ có “mệnh hệ” gì được!”.

Bởi niềm tin ấy, nên chị Thanh vẫn dịu dàng nói với con về những điềm lành mà cụ rùa mang lại. Con trai chị năm nay mới sáu tuổi. Trong buổi sáng ngày 25/2, lần đầu tiên cháu được chứng kiến cụ nổi từ ngoài xa, dù chỉ thấy được phần đầu cụ hơi nhô lên khỏi mặt nước, nhưng cậu bé vô cùng sung sướng, hò reo thích thú.

Gương mặt cậu bé cười tít, mắt xoe tròn nhìn theo tay bố mẹ chỉ về phía cụ rùa. Đó là niềm vui không chỉ của cậu bé, mà còn là sự tin tưởng của người Hà Nội, để thêm vững tâm, rằng cụ rùa mãi là linh vật linh thiêng gắn bó dài lâu với Hồ Gươm nghìn tuổi.

Quỳnh Anh