Bà Đ., 78 tuổi, nhập viện vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Bác sĩ Phạm Hữu Giang, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết khi vào viện, cụ bà đã mất phản xạ ánh sáng, da niêm mạc nhợt, tím môi, chi, thở chậm, SpO2 giảm còn 69% (bình thường từ 96-100%), huyết áp 80/50mmHg.
Người nhà cho biết bà Đ. uống nhầm cùng môt lúc 3 vỉ thuốc Phenobarbital 100mg (30 viên) và đã li bì 30 giờ tại nhà.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, viêm phổi trào ngược, hôn mê sâu do ngộ độc Phenobarbital giờ thứ 30, tổn thương thận cấp. Điều trị thở máy, hỗ trợ hô hấp, dùng kháng sinh điều trị viêm phổi, lọc máu liên tục điều trị tình trạng toan chuyển hóa, tổn thương thận cấp, suy đa tạng...
Sau 5 ngày tích cực điều trị, tình trạng bệnh nhân dần ổn định, ý thức cải thiện, tình trạng phổi có nhiều tiến triển và thận bắt đầu hoạt động tốt hơn, dừng lọc máu. Sau khi được cai dần thở máy, rút ống nội khí quản, hiện bệnh nhân tỉnh táo, tự thở, mạch huyết áp ổn định, có thể ra viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Giang cho biết thuốc Phenobarbital có tác dụng chống co giật, an thần, gây ngủ, thường được sử dụng để điều trị động kinh và một số trường hợp rối loạn giấc ngủ. Điều trị kéo dài bằng Phenobarbital có thể gây ngộ độc mạn tính vì thuốc được tích lũy trong cơ thể.
"Khi dùng quá liều sẽ gây ra rất nhiều các triệu chứng ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp, tim mạch, thận. Nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong", bác sĩ cho biết.
Theo vị bác sĩ, Phenobarbital được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, chính nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc này lại có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc, quá liều do họ không tự kiểm soát được hành vi bản thân. Vì thế, gia đình có người sử dụng những loại thuốc này cần cất giữ thuốc cẩn thận, không giao thuốc cho bệnh nhân. Với người cao tuổi, nên đưa đủ số lượng uống theo chỉ định của bác sĩ, không đưa cả lọ cho người bệnh, tránh ngộ độc xảy ra.
Trong trường hợp ngộ độc, quá liều, người nhà cần xác định rõ bệnh nhân đã uống thuốc gì, số lượng, hàm lượng bao nhiêu, có uống thêm thuốc nào khác hay không. Các manh mối giúp gợi ý không giới hạn ở số vỉ thuốc lọ thuốc xung quanh khu vực bệnh nhân ngộ độc, cần hỏi những nhà thuốc lân cận có bán thuốc cho bệnh nhân không, hình chụp thuốc bệnh nhân chia sẻ trên mạng xã hội,… Theo các bác sĩ, việc có đủ những thông tin trên sẽ giúp nhân viên y tế có hướng xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời.