Điều tra đo lường các chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ (SDGCW) 2020-2021 cho biết tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam chiếm 34,4% tổng các ca đẻ, tăng gần 7% so với năm 2014. Ở thành thị, tỷ lệ sinh mổ cao hơn hẳn, với hơn 43% các ca đẻ. Gần một nửa số sản phụ thành thị lựa chọn sinh mổ tại cơ sở y tế tư nhân.
Chia sẻ về "động lực" sinh tới 7 người con, chị H. cùng chồng vui vẻ cho biết gia đình thích đông con và những lần mang thai trước đều khỏe mạnh nên anh chị sẵn sàng tiếp tục sinh bé.
Ở lần mang bầu thứ 7 khi đã 41 tuổi, tiền sử phẫu thuật nhiều lần (6 lần mổ đẻ trước đó và 1 lần mổ phụ khoa), chị H. còn phát hiện mắc tiểu đường thai kỳ.
“Điều khiến tôi lo nhất trong lần mang thai này là tiểu đường thai kỳ, không phải là khả năng kinh tế", chị chia sẻ khi ôm trong tay cậu con trai chào đời với cân nặng 3,1kg.
Trao đổi về trường hợp đặc biệt này, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca mổ, cho biết hàng chục năm làm nghề, đây là lần thứ 2 ông thực hiện ca mổ hy hữu cho người mẹ có số lần mổ đẻ nhiều đến thế.
Ca mổ đầu tiên cách đây 28 năm, khi đó ông mới vào nghề, đang là bác sĩ nội trú tại Cộng hòa Pháp. Sản phụ được ông mổ lấy thai là người phụ nữ châu Phi, mổ đẻ lần thứ 7.
"Đẻ thường đã nguy hiểm, còn sản phụ này mổ đẻ đến 7 lần là rất hiếm. Trước một ca đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm, làm sao để tốt cho mẹ và bé. Rất vui ca mổ đã thành công, em bé chào đời khóc to, hồng hào", vị chuyên gia chia sẻ.
Năm 2021, thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mổ đẻ và triệt sản cho sản phụ sinh năm 1988 ở Hà Nội mang thai lần thứ 6. Bé trai chào đời nặng 3kg. Tổng cộng người phụ nữ này sinh mổ 6 lần trong 10 năm. Các lần mang bầu bé thứ 4 và thứ 5 chị đều chủ động đẻ sớm khoảng 2-3 tuần để tránh việc thai to đè lên vết mổ.
Sinh mổ là phương pháp tối ưu làm giảm nguy cơ tai biến, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi nếu mẹ gặp phải các vấn đề bất thường như bệnh lý tim mạch, biến chứng thai kỳ, thai nhi quá lớn hoặc thai suy trong lúc chuyển dạ. Nếu sinh thường có thể kéo dài nhiều tiếng, một cuộc sinh mổ chỉ mất khoảng 30-45 phút.
Nhược điểm của sinh mổ là mức độ phục hồi của mẹ sẽ lâu và đau hơn so với sinh thường. Nếu không được vệ sinh, chăm sóc kỹ, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, viêm bàng quang, rau cài răng lược vào sẹo mổ cũ có thể xảy ra trong lần mang thai tiếp theo. Sinh mổ càng nhiều lần thì tỷ lệ biến chứng càng cao, đặc biệt là thai làm tổ tại vết mổ, sẹo sẽ dính xấu, mổ khó khăn...
Chuyên gia khuyến cáo chỉ nên áp dụng biện pháp sinh mổ tối đa 3 lần, còn lại phải dựa vào kết quả đánh giá sức khỏe, tiền sử y tế của mẹ. Đặc biệt, khoảng cách lần mang thai tiếp theo sau khi sinh mổ cần đảm bảo ít nhất 2 năm. Mang thai sớm hơn 12 tháng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non.