Dịp tết, giá các loại thực phẩm có xu hướng tăng chính là cơ hội để nạn cân điêu hoành hành. Không chỉ có hàng rong, chợ tạm, chợ “cóc” mà ngay cả các chợ lớn có ban quản lý, tình trạng này vẫn diễn ra, khiến người tiêu dùng bị móc túi.
Cận cảnh “chế” cân lành thành cân què
Trong vai một người đi mua cân (cân đồng hồ) về để bán hàng, PV Lao Động tìm đến một cửa hàng trên phố Thuốc Bắc (Hà Nội) mục sở thị thao tác biến “cân lành” thành “cân điêu” chỉ trong... 10 phút. Sau khi mua chiếc cân loại 5kg với giá 160.000 đồng, và ngỏ ý muốn “độ” lại chiếc cân, ông chủ cửa hàng Sơn Thanh (địa chỉ số 10-14 phố Thuốc Bắc, Hà Nội) không ngần ngại gì mà vui vẻ nhận lời với giá chỉ 30.000 đồng. Ông đi về sau nhà và nói rằng để tránh lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, xử lý.
Ông chủ chuyên thực hiện dịch vụ chỉnh cân điêu trên phố Thuốc Bắc (Hà Nội) đang mổ cân để điều chỉnh lại đơn vị đo theo ý khách. |
Theo quan sát, trong căn nhà nhỏ, ngoài là nơi ở, nơi chứa đồ hàng thì còn là nơi để người này “độ” cân mỗi khi có khách yêu cầu. Chứng kiến cảnh ông chủ hàng “độ” lại cân, mới biết được đồ nghề rất đơn giản, chỉ có một quả cân đúng số lượng 1kg có dấu kiểm chứng của đo lường. Một vài dụng cụ như kìm, tút nơ vít... Sau đúng 10 phút tháo ra chỉnh sửa, chiếc cân từ lành đã thành “điêu”. Cục sắt lúc đầu 1kg sau khi được “độ” lại thì cục sắt này đã lên 1,1 kg. Tuy nhiên, cân “điêu” ở đây nếu không phải “người trong cuộc” thì rất khó có thể nhận ra được. Người đàn ông này còn khuyên chúng tôi, mỗi kilôgram chỉ nên ăn cắp từ 1-2 lạng thôi, ăn nhiều sẽ lộ ngay.
Trên thị trường hiện có đến 1.001 kiểu cân điêu mà bất kỳ người tiêu dùng (NTD) nào cũng có thể gặp phải. Gần đây, hầu hết các chủ kinh doanh đều chuyển sang cân đồng hồ có đĩa với thủ đoạn cân điêu phổ biến ở hai dạng. Dạng 1, cân hai đĩa (đĩa nhẹ và đĩa nặng). Khi khách hàng yêu cầu thử thăng bằng, chủ hàng đưa đĩa cân nhẹ lên để đúng vạch không. Lúc cân hàng cho khách, chủ hàng lại sử dụng đĩa nặng để cân điêu.
Thủ đoạn thứ hai là sử dụng cân “thửa” loại cân chia vạch sai. Từ 0-200gr được chia vạch nhỏ hơn so với các vạch từ 200gr trở lên trên cùng một cân. Như vậy, với nhiều cân khi khách mua 1kg hàng thì chỉ còn 0,85 – 0,9kg hàng thực tế. Những mặt hàng có nguy cơ bị cân điêu nhiều nhất là: Gia cầm, thủy sản, tôm, cua, cá đồng,... vì hầu hết các bà nội trợ đều muốn mua tươi rồi yêu cầu người bán sơ chế tại chỗ nên khả năng bị làm điêu càng cao.
NTD không biết kêu ai?
Chị Đỗ Thanh Hương – 240 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội - bức xúc: “Hôm đi thăm người ốm, tôi mua 2kg cam sành với giá 30.000đ/kg, chị bán hàng rong chọn 6 quả cam lên và nói 2,2kg. Sau khi trả tiền, tôi đi cân thử thì chỉ có 1,65kg. Từ hôm đó, tôi phải mua cân xách tay để đề phòng”. Đây không phải là trường hợp duy nhất bị cân điêu, mà hầu hết các gánh hàng rong đều có hiện tượng cân thiếu cho khách. Nhưng để xử lý đối với những đối tượng này rất khó vì không có ai quản lý.
Theo lời ông chủ, cục sắt đúng 1kg để làm mẫu có dấu chứng nhận đo lường. |
Nhiều trường hợp biết là bị cân điêu, nhưng NTD không muốn mất thời gian kiện cáo đành phải tự bảo vệ mình. Một trong những cách đối phó mà bà nội trợ áp dụng là mua cân tay bỏ túi vừa tiện lợi, vừa đem lại sự yên tâm.
Trước đây để đối phó với tình trạng cân điêu, ban quản lý các chợ lớn tại Hà Nội từng có phong trào lắp đặt cân đối chứng để khách hàng kiểm tra. Tuy nhiên, hiện nay ở một số khu chợ hầu như không một cái cân đối chứng nào còn tồn tại, nếu có cũng đã gỉ sét hoặc phục vụ vào mục đích khác. Thậm chí rất ít người biết đến cái cân này, hoặc có biết cũng không nhiều người kỳ công vác hàng ra cân lại.
Bà Nguyễn Thị Phương Cúc – Trưởng BQL chợ Hôm – Đức Viên - cho biết: “Chợ Hôm – Đức Viên (Hà Nội) cũng được trang bị cân đối chứng từ cách đây 7 – 8 năm. Tuy nhiên, chiếc cân đó đã hỏng, cán bộ của BQL chợ đã chuyển tới cơ quan tiêu chuẩn đo lường để sửa. Trong thời gian 1 – 2 năm gần đây, chúng tôi đã thay chiếc cân đĩa vào vị trí chiếc cân điện tử đối chứng để NTD có thể kiểm tra trọng lượng hàng hóa khi mua tại chợ”.
Ngược lại, ở chợ Ngã Tư Sở do đặc thù của chợ là kinh doanh quần áo, đồ giày dép, mỹ ký, túi... nên cân đối chứng ngay từ đầu đã bị lãng quên. Theo ông Trịnh Ngọc Lâm – Trưởng BQL chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội): “Cân đối chứng trang bị cho chợ đã hỏng cách đây vài năm. Vào thời điểm đó, chợ chuẩn bị xây dựng lại, cái cân bị hỏng, để hoen gỉ một góc chợ cuối cùng thành đống sắt vụn”. Vì vậy, người tiêu dùng bị cân điêu giờ chẳng biết kêu ai?
(Theo Lao động)