Taya Thomas từng cảm thấy cuộc sống của mình ở thành phố New York diễn ra như trong mơ khi hàng ngày dắt chó đi dạo, tối nhấm nháp ly rượu tại các quán bar ở khu Lower East Side sôi động.

Niềm vui không kéo dài lâu, giá thuê nhà bắt đầu leo ​​thang.

Người quản lý dự án 23 tuổi cần tìm một căn hộ có không gian văn phòng cho công việc làm từ xa của mình song nhanh chóng nhận ra rằng cô đơn giản là không đủ khả năng chi trả, theo Bloomberg.

Ở một thành phố chi tiêu đắt đỏ như New York, ngày càng khó khăn hơn cho những người trẻ xoay xở, chật vật trong thời buổi vật giá leo thang. Ảnh: Time Out.

Những người trẻ từ lâu đã bị lôi cuốn bởi cuộc sống ở New York. Những công việc danh giá đi kèm với mức lương tương xứng, những bữa tiệc xuyên đêm ở thành phố không bao giờ ngủ.

Đối với thế hệ trẻ, sống ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới là điều đáng giá. Nhưng khi lạm phát tăng cao, cuộc sống ở New York không còn lung linh như vẻ ngoài nổi tiếng của nó, ngay cả với những người có thu nhập ở mức trên trung bình như Taya.

Miếng bánh khó xơi

Taya bắt đầu xem xét các danh sách cho thuê nhà ở thành phố Miami (bang Florida), song chưa có ý định chuyển đến đó nghiêm túc, cho đến khi cô nhìn thấy tất cả tiện nghi mà nhà thuê ở New York không thể có với cùng mức giá: máy giặt và máy sấy trong nhà, hồ bơi trên sân thượng.

Hồi tháng 2, Taya rời khỏi Big Apple để chuyển đến ở Florida, nơi cô phải đóng mức thuế thấp hơn. Taya đang tiết kiệm thêm được 13% trong số tiền lương gần sáu con số của mình. Điều này cho phép cô bỏ thêm nhiều hơn vào các khoản đầu tư và trả nợ sinh viên.

“Có một điều kỳ diệu ở New York khiến tôi cảm thấy như mình muốn ở đó mãi mãi. Nhưng tôi đang ở độ tuổi mà phải suy nghĩ thực tế", cô khẳng định.

Taya Thomas chuyển đi khỏi Big Apple dù vẫn có đủ khả năng chi trả cho cuộc sống ở thành phố. Ảnh: Bloomberg.

Theo Kory Kantenga, nhà kinh tế cấp cao tại công ty LinkedIn, việc tuyển dụng những người trẻ có bằng cấp, chuyên môn cao ở New York đã giảm dần từ mùa xuân và rơi vào khoảng 30% trong những tháng gần đây, ngay cả khi nhu cầu cho thị trường lao động nói chung vẫn lớn.

“Trong trường hợp này, triển vọng cho những người mới bắt đầu sự nghiệp bị kèm kẹp bởi những yếu tố vĩ mô là lạm phát và suy thoái kinh tế", Kory nói.

Chi phí sinh hoạt đã cao hơn 15% so với mức trung bình quốc gia vào năm 2020, trước khi lạm phát bắt đầu leo ​​thang, theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ.

Giá thuê trung bình ở khu Manhattan đã tăng 26% so với hàng năm vào tháng 8, lên 4.100 USD và ngày càng nhiều khu dân cư ở New York không còn đủ khả năng chi trả nếu người thuê không có mức lương ở mức trăm nghìn USD trở lên.

Chi phí sinh hoạt tăng cao gây ra khó khăn một cách không cân xứng đối với những người trẻ tuổi, nhóm người có xu hướng đi thuê nhà nhiều hơn, có thu nhập thấp hơn, số dư nợ cho sinh viên cao hơn và tiết kiệm được ít tiền hơn.

Công việc danh giá, mức lương cao, những đêm tiệc tùng là bức tranh mà giới trẻ vẫn thường hình dung về cuộc sống lý tưởng ở New York. Ảnh: NY Times.

Georgia Bubash (25 tuổi), cho biết một nửa số tiền lương của cô từng được chi cho căn hộ có giá thuê 1.800 USD một tháng của mình ở khu phố Tàu.

Bubash, người làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, cho biết: “Tôi không có tiền tiết kiệm và điều đó khiến tôi sợ hãi".

Chuyến đi đến Bồ Đào Nha, nơi một bữa ăn bao gồm một chai rượu đầy chỉ tiêu tốn13 Euro (12,69 USD), trở thành lời cảnh tỉnh cho Bubash. Thông thường, cô cho biết mình thậm chí không đủ khả năng đi ăn ngoài mỗi tuần một lần ở New York.

Sau khi chủ nhà tăng tiền thuê nhà thêm 500 USD/tháng, cô gái đến từ bang Pennsylvania quyết định phá bỏ hợp đồng thuê nhà và chuyển về quê với hy vọng sớm tiết kiệm đủ vốn để chuyển ra nước ngoài.

“Tôi đang trả rất nhiều tiền mỗi ngày và nó không đáp ứng được kỳ vọng về những gì tôi sẽ nhận được. New York đang ở thời điểm đi xuống, nó không còn là nơi đáng sống nữa", cô than phiền.

Tìm nơi "dễ thở hơn"

Có những dấu hiệu khác cho thấy Big Apple đang trở nên kém hấp dẫn hơn đối với một thế hệ lao động mới vốn ưu tiên thu nhập khả dụng cộng với cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Nhiều người trẻ, mới tốt nghiệp tin rằng họ không còn cần phải sống ở New York để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Ania Holland chọn sang sống ở châu Âu sau khi tốt nghiệp ở New York. Ảnh: Bloomberg.

Ania Holland, 22 tuổi, đã chọn bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình ở Berlin (Đức) sau khi làm thêm bồi bàn và hoàn thành khóa học tại Đại học New York.

Chi phí sinh hoạt ở Đức chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì cô ấy phải trả khi còn sống ở Brooklyn.

Mặc dù được sống ở New York là ước mơ cả đời, nhưng giờ Ania có thêm tiền để tiết kiệm.

Thời gian ngoài công việc, cô dùng để sáng tác âm nhạc và tổ chức các buổi biểu diễn tại các quán bar indie. Theo Ania, thực tế này khác xa với những người bạn của cô vẫn còn ở New York, những người “làm ba công việc chỉ để kiếm đủ trả tiền thuê nhà”.

"Thật lãng mạn khi làm bồi bàn trong khi được thử giọng hoặc biểu diễn trên sân khấu kịch Broadway, nhưng bạn phải thực tế về cuộc sống. Tôi không khuyên bạn nên dốc toàn bộ sức lực, chịu cảnh vất vả trong khi có phương án tối ưu hơn", Ania cho hay.

Một cuộc khảo sát do SmartAsset thực hiện đã theo dõi sự di chuyển của "nhóm người trẻ và giàu có”, gồm bất kỳ ai dưới 35 tuổi kiếm được tổng thu nhập sau thuế ít nhất là 100.000 USD.

Theo đó, nhóm người này đang lần lượt rời khỏi New York khi bang này có số lượng cá nhân rời đi cao nhất. Xếp thứ hai là bang California, cho thấy khu vực này cũng đang mất dần sức hấp dẫn đối với người trẻ.

Trong khi đó, các khu vực có giá cả sinh hoạt phải chăng hơn như Austin, Texas, Denver và Nashville, Tennessee đang trở nên thu hút lớp người trẻ đi làm có thu nhập cao, theo báo cáo của LinkedIn.

Theo Zing