Khi biết được ý định của cậu con trai, bố mẹ anh đã khuyên anh cân nhắc lại cẩn thận bằng một tinh thần tỉnh táo nhất có thể. Yoon Chang-hyun, 32 tuổi, làm công việc nghiên cứu tại Samsung Electronics với mức lương hàng năm khoảng 57.619 USD. Con số này gấp ba lần lương khởi điểm trung bình ở Hàn Quốc. Mức lương đi kèm chế độ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cùng nhiều ưu đãi khác, đến từ nhà sản xuất smartphone và chip nhớ lớn nhất thế giới, đủ để làm khối bạn học khác phải ghen tỵ. Thế nhưng,...

Chàng trai bỏ việc ở Samsung để đi làm Youtuber

Mọi thứ tốt đẹp đó đã bị đập tan bởi yêu cầu tăng ca ban đêm lặp đi lặp lại, cơ hội thăng tiến mỏng manh, giá nhà ở tăng vọt "cuốn phăng" luôn cơ hội sở hữu một căn hộ riêng. Vậy là Yoon quyết định vứt bỏ tất cả để đi theo lựa chọn làm một nhà sản xuất nội dung Internet, một nghề nghiệp không ổn định. Anh nằm trong làn sóng ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Y (chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), vứt bỏ công việc văn phòng ổn định. Trái ngược với hàng triệu người khác vẫn đang tìm cách vào các tập đoàn chaebol, còn tình trạng thất nghiệp thì tăng cao.

Một số người trẻ Hàn Quốc đang rời bỏ các thành phố lớn để đi về miền quê làm công việc trang trại, hoặc xuất ngoại làm công nhân cổ xanh. Xu hướng này trái ngược với truyền thống xã hội, đo lường sự thành công của một người bằng việc kiếm được một chỗ làm văn phòng lương cao ổn định, lập gia đình, sau đó là mua nhà.

Yoon đang quay một video mới

Yoon cho biết mình đã bị nhiều người chất vấn liệu anh có điên không mà làm như vậy. "Nhưng kể cả có cho tôi chọn lại, tôi vẫn sẽ bỏ việc. Những ông chủ của tôi trông không hề hạnh phúc. Họ luôn quá tải và cô đơn..." - Yoon nói. Bây giờ anh đang điều hành một kênh Youtube riêng bằng tiền tiết kiệm của mình.

Những chaebol quyền lực như Samsung và Hyundai đã vực dậy Hàn Quốc từ đống tro tàn chiến tranh, đưa đất nước trở nên hùng cường như ngày nay và là một trong bốn nền kinh tế lớn nhất châu Á. Lương cao, công việc ổn định, giúp những người thuộc thế hệ ‘baby boomer' (sinh ra trong khoảng 1950 đến 1969) nhanh chóng có chỗ đứng trong tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực cạnh tranh từ những công ty có chi phí thấp hơn, ngay cả những người thuộc thế hệ Y tốt nghiệp từ các trường Đại Học hàng đầu, có công việc vững chắc trong chaebol, cũng nói rằng mình ít có khuynh hướng đáp ứng mong mỏi từ xã hội.

‘Bỏ việc' xuất hiện trong top 10 cam kết đầu năm ở các trang truyền thông lớn của Hàn Quốc

Trên toàn cầu, vấn đề tương tự ở lực lượng lao động trẻ là không ít. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp phân cấp nghiêm ngặt, sự dư thừa lực lượng sinh viên tốt nghiệp ở Hàn Quốc làm cho tình hình thêm tồi tệ, Ban Ga-woon, nhà phân tích thị trường lao động ở Viện nghiên cứu về vấn đề Đào tạo & Dạy nghề Hàn Quốc, nhận xét. Một khảo sát chỉ ra, chỉ 55% ở Hàn Quốc hài lòng với công việc hiện tại, mức thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Thậm chí hồi tháng Giêng đầu năm, ‘bỏ việc' xuất hiện trong top 10 cam kết đầu năm ở các trang truyền thông lớn của Hàn Quốc.

Thậm chí có người còn đi học để thực hiện việc đó thành công. Tại một khuôn viên nhỏ ở phía nam Seoul, "Trường học bỏ việc" được thành lập đã thu hút hơn 7.000 người đăng ký kể từ 2016. Jang Su-han, 34 tuổi, là một người cũng đã bỏ việc ở Samsung đứng ra thành lập ngôi trường. Ở đây cung cấp 50 khóa học, từ dạy làm Youtuber cho đến đối phó với khủng hoảng bản sắc cá nhân (identity crisis), lập kế hoạch dự phòng hay còn gọi là "Plan B",... Quy định của ngôi trường xuất hiện ở ngay lối vào: "Đừng nói chuyện với ông chủ, không hé nửa lời kể cả khi bạn gặp đồng nghiệp, và đừng để bị bắt khi bạn chưa tốt nghiệp". Trong số đó, nhu cầu về khóa học tìm hiểu về bản thân là rất cao, bởi vì quá nhiều người bận bù đầu ở các trường luyện thi, đến nỗi họ không xác định được bản thân thực sự muốn gì khi còn là thanh thiếu niên.

Một giảng viên đang hướng dẫn tại một trường dạy làm Youtuber

Thực tế, việc làm ở chaebol vẫn rất hấp dẫn, đặc biệt khi tỉ lệ thất nghiệp ở tầng lớp trẻ đang cao kỷ lục. Saramin, một cổng thông tin việc làm, công bố hồi tháng Hai rằng Samsung Electronics vẫn là địa chỉ được khao khát nhất năm 2019, kết quả từ 1.040 người tìm việc.

Một cuộc thăm dò ý kiến năm 2018 chỉ ra, các em học sinh tiểu học mong muốn năm nghề nghiệp sau nhất: nhà sáng tạo Youtube, ngôi sao thể thao, giáo viên, bác sĩ hay đầu bếp.

Giai đoạn năm 2013 đến 2017, Hàn Quốc chứng kiến hơn 12.000 hộ gia đình từ bỏ chốn đô thị để đi làm nông. Đối mặt với áp lực tìm việc tại quê nhà khó khăn, gần 5.800 người khác cũng đi ra nước ngoài năm ngoái, thông qua các chương trình trợ cấp của chính phủ, tăng gấp ba lần so với năm 2013. Thậm chí có người đi mà chẳng cần chương trình nào.

Nhà sáng tạo Youtube là một trong năm nghề nghiệp mơ ước của trẻ em tiểu học Hàn Quốc

Cho Seung-duk, một công nhân nhà máy, đã mua vé một chiều đi Úc cho cả gia đình. "Tôi không nghĩ con mình có thể kiếm được một công việc ở Hàn Quốc", người đàn ông 35 tuổi nói, anh đã làm ở Hyundai trước khi chuyển đến một công ty xây dựng hàng đầu, sau đó quyết định di cư. "Tôi chắc là sẽ phải làm dọn phòng ở Brisbane thôi, nhưng mà thế cũng ổn", anh nói thêm.