Dylann Wang, cư dân thành phố Thượng Hải, đã dùng phần lớn thời gian trong hai tháng phong tỏa vừa qua để suy ngẫm về ý nghĩa cuộc sống, và cả cái chết của mình.
Wang là một người độc thân và không có con. Người thân duy nhất còn lại của anh là bố mình, đang sống ở Vu Hồ, một thành phố thuộc tỉnh An Huy, cách nơi anh ở 300 km.
Nam chuyên viên công nghệ thông tin phải cách ly trong căn hộ studio của mình do quy định phòng dịch của thành phố từ ngày 1/4. "Nếu tôi chết hoặc tự tử, phải mất vài tuần để bạn bè hoặc hàng xóm phát hiện ra tôi đã qua đời", Wang nói với Insider.
Trong khi vẫn làm việc từ xa, Wang bày tỏ anh cảm thấy cuộc sống hiện tại của mình có rất ít ý nghĩa. Anh không mong chờ gì hơn một bữa ăn ngon, một giấc ngủ an lành.
Thời gian phong tỏa cũng khiến anh suy ngẫm nhiều hơn về cái gọi là "thế hệ cuối cùng" - hashtag trở thành xu hướng trên mạng xã hội những ngày qua. Nhiều người trẻ như anh lan truyền cụm từ đặc biệt, tự nhận mình là "thế hệ cuối cùng" như một cách phản ứng mạnh mẽ trước áp lực phải sinh con.
Thế hệ cuối cùng
Thuật ngữ "thế hệ cuối cùng" bắt nguồn từ một video lan truyền trên Weibo, hiện đã bị xóa khỏi mọi nền tảng. Trong clip, các nhân viên kiểm dịch cảnh báo những cư dân từ chối cách ly chống Covid-19 rằng họ sẽ làm ảnh hưởng đến thế hệ sau và gia đình mình.
Đáp lại lời cảnh báo, một người đàn ông trẻ trả lời cộc lốc: "Xin lỗi, nhưng chúng tôi là thế hệ cuối cùng".
Wang nói rằng anh đồng tình với người đàn ông trong video. Anh ta đã cất tiếng nói cho cả một thế hệ trẻ Trung Quốc, những người không đủ khả năng, hoặc từ chối lập gia đình và sản sinh ra thế hệ tiếp theo.
"Có nhiều lý do khiến tôi nghĩ rằng mình sẽ là thế hệ cuối cùng ở Trung Quốc. Không ai trong số bạn bè của tôi muốn sinh con. Bản thân tôi cũng không muốn chỉ sinh ra một đứa trẻ, đưa nó đến với thế giới này mà không có mục đích gì, chỉ để thêm vào bảng thống kê tỷ lệ sinh vô nghĩa của đất nước".
Theo trang China Digital Times, hashtag "Chúng tôi là thế hệ cuối cùng" được cho liên quan đến làn sóng giận dữ đang bùng phát ở mức đỉnh điểm trong bối cảnh các biện pháp chống Covid-19 quá hà khắc.
Sự bùng nổ của lời tuyên bố "thế hệ cuối cùng" cũng có thể xuất phát từ hiện tượng "nằm im" (tang ping) trong giới trẻ xứ tỷ dân, trở thành đề tài tranh luận từ năm 2021. Nhiều người trẻ mặc kệ sự đời, vứt bỏ mục tiêu thay vì hòa mình vào văn hóa làm việc "996" khắc nghiệt.
Nhiều người dùng mạng gắn hashtag "thế hệ cuối cùng" với nội dung chỉ trích phong tỏa kéo dài.
Trong khi đó, nhiều người khác dùng nó để đả kích áp lực mà họ đang đối mặt, khi giới trẻ phải kết hôn, sinh con và có người nối dõi tông đường.
"Mọi người thắc mắc tại sao ý tưởng về 'thế hệ cuối cùng' lại được những người trẻ ở độ tuổi của tôi ủng hộ mạnh mẽ đến vậy. Trong quan điểm của tôi, người đàn ông đó đã nói lên thứ mà chúng tôi đều cảm thấy. Chúng tôi đều mang áp lực phải sinh con", một phụ nữ viết trên Weibo cá nhân.
Áp lực đè nén
Nhiều người đã bày tỏ quan điểm rằng việc giới trẻ ngày nay trở thành "thế hệ cuối cùng" trong gia đình không phải lỗi của họ. Nhiều ý kiến thậm chí ca ngợi lối sống "DINK" - những cặp vợ chồng theo đuổi mục tiêu "Gấp đôi thu nhập, không con cái".
"Trở thành thế hệ cuối cùng trong gia đình là điều không ai mong muốn. Không tài sản, mất cả đời chỉ để hoàn trả tiền vay mua nhà, phí sinh hoạt quá cao đều là vấn đề lớn. Thậm chí chưa nói đến chuyện nuôi một đứa con đắt đỏ nhường nào", một người dùng Weibo khác bày tỏ.
Xie Donghua, giám đốc điều hành một nhà hàng ở Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), cho biết những ý tưởng về "thế hệ cuối cùng" đã xuất hiện cách đây một thời gian, nhưng nó thực sự được "cô đọng thành từ khóa" khi video về câu nói của người đàn ông ở Thượng Hải lan truyền.
"Chúng tôi đều nghĩ vậy, nhưng không ai nói ra. Nói ra có ích gì khi chẳng thể nào thay đổi thực tế. Nhưng im lặng không có nghĩa chúng tôi không phẫn nộ", Xie nói.
Phóng viên Insider đã bắt gặp một bài viết bày tỏ sự bất lực trước thực tế: "Hy vọng của chúng tôi đã bị dập tắt. Nhiều người nghĩ về cái chết nhiều hơn cả mong mỏi sự sống".
"Có thể hiểu được rằng cuộc sống đi kèm với đau khổ. Nhưng bây giờ, ngoài đau khổ, chúng ta còn bị bóp nghẹt khi không thể tự quyết định cách chúng tôi sống cuộc đời của mình. Thật không thể chịu đựng được".
Theo Zing