Mã sức khỏe
Ở Trung Quốc, các vấn đề về đi lại của người dân bắt đầu được đặt ra từ trước khi Vũ Hán tuyên bố dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 8/4/2020. Ngày 6/2/2020, một cảnh sát công nghệ hơn 30 tuổi ở Hàng Châu, Chiết Giang có tên Chung Nghị (Zhong Yi) và nhóm của anh đã được giao nhiệm vụ phát triển một ứng dụng khai báo y tế có tên “Mã sức khỏe” cho thành phố Hàng Châu.
Chỉ mất chưa đầy 3 ngày, bản thử nghiệm đầu tiên của ứng dụng này đã hoàn thành. Ngày 11/2/2020, bản chính thức của “mã sức khỏe Hàng Châu” ra mắt với số đăng ký trong ngày đầu vượt 1,3 triệu.
Nhưng sau đó, hàng loạt các vấn đề đã liên tục xuất hiện. Chưa đầy một tuần sau khi đưa vào sử dụng, đã có hơn 100.000 lượt chất vấn về mã sức khỏe do hiển thị sai thông tin. Phải sau 29 lần điều chỉnh kỹ thuật, 14 phiên bản và 63 lần nâng cấp chức năng, các vấn đề gặp phải mới dần được tháo gỡ và đạt tỷ lệ chuẩn xác lên tới hơn 99%. Từ Hàng Châu, “mã sức khỏe” chính thức được nhân rộng ra cả nước Trung Quốc.
Giờ đây, mỗi người dân Trung Quốc và người nước ngoài ở đây đều có mã sức khỏe QR code. Mã này có 3 màu, màu Xanh là an toàn, màu Vàng và màu Đỏ là không được phép đi lại. Trong đó, màu Vàng là những người tiếp xúc gần, cách ly tại nhà hoặc chưa hết thời hạn cách ly tập trung theo quy định; màu Đỏ là F0, ca nghi nhiễm hoặc sốt.
Thời gian đầu, mỗi tỉnh, thành và khu tư trị ở Trung Quốc có một hệ thống mã QR sức khỏe khác nhau. Người dân khi di chuyển phải khai lại thông tin từ đầu, một số nơi còn không hỗ trợ khai bằng hộ chiếu cho người nước ngoài. Tuy nhiên, đến ngày 23/3/2021, theo quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này đã cơ bản sử dụng một mã chung hoặc các địa phương công nhận mã của nhau.
Mã hành trình
Bên cạnh mã sức khỏe, Trung Quốc còn sử dụng một mã khác có tên “Thẻ hành trình dữ liệu lớn thông tin”, thường được gọi là mã hành trình.
Mã này chính thức được đưa vào sử dụng vào tháng 3/2020. Đây là một dịch vụ tra cứu miễn phí được cung cấp bởi Viện nghiên cứu Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) phối hợp với 3 nhà mạng lớn của nước này là China Telecom, China Mobile và China Unicom thông qua việc sử dụng dữ liệu lớn thông tin của khoảng 1,6 tỷ thuê bao điện thoại di động. Thông qua mã này, người ta có thể biết được hành trình của chủ sở hữu smartphone trong 14 ngày trước đó.
Hiện nay, Trung Quốc quản lý dịch bệnh bằng cách chia làm 3 khu vực: nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình (hoặc vừa) và nguy cơ cao. Trong đó, vùng có nguy cơ thấp là những nơi không có ca bệnh nào hoặc không ghi nhận thêm ca bệnh mới nào trong vòng 14 ngày liên tục; vùng có nguy cơ trung bình là nơi xuất hiện ca bệnh mới trong vòng 14 ngày và tổng số ca bệnh không vượt quá 50, hoặc tổng số ca bệnh không vượt quá 50 và không có cụm dịch nào xảy ra trong vòng 14 ngày; vùng có nguy cơ cao là nơi có tổng số ca mắc vượt 50 và có các cụm dịch trong vòng 14 ngày.
Dù khi có dịch hay không, người Trung Quốc đều phải quét mã sức khỏe mỗi khi đến một nơi nào đó như một khu dân cư, tòa nhà, thắng cảnh hay các cơ quan công quyền... Một số nơi yêu cầu cả mã hành trình. Đến khi bùng phát dịch, họ sẽ được yêu cầu xuất trình cùng lúc cả mã sức khỏe và mã hành trình. Các mã này sẽ được tìm thấy trong ứng dụng WeChat hoặc Alipay.
Vốn ban đầu chỉ là những ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội và thanh toán điện tử phổ biến nhất Trung Quốc, đến nay, mọi thông tin cá nhân người dùng liên quan đến Covid-19 đều đã được tích hợp lên đây. Điều này giúp tạo thuận lợi đáng kể cho người dân khi đi lại.
WeChat có thể hiển thị tất cả các thông tin liên quan đến tiêm vaccine, xét nghiệm, sức khỏe và đi lại. Người dùng chỉ cần điền thông tin cá nhân gồm: tên tuổi, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, sau đó quét mã hay tìm kiếm ứng dụng “mã sức khỏe” (ở Bắc Kinh, người nước ngoài sẽ tìm ứng dụng “Health Kit”) và ứng dụng “Thẻ hành trình dữ liệu lớn thông tin” để có các mã cần thiết.
Nếu như với WeChat, người ta phải tra mã sức khỏe và mã hành trình riêng thì với Alipay, cả 2 mã này đã được tích hợp, theo thông báo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 14/9. Tuy nhiên, trước mắt, sự tích hợp này chỉ áp dụng với công dân Trung Quốc đại lục, người Hong Kong, Macao, Đài Loan có giấy thông hành tới đại lục và người nước ngoài có thẻ cư trú vĩnh viễn tại Trung Quốc.
Với mã sức khỏe màu Xanh và hành trình không đến các khu vực có nguy cơ trung bình và cao, công dân Trung Quốc và người nước ngoài có thể di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Sau mỗi lần xét nghiệm hay tiêm vaccine ở bất cứ đâu, thông tin sẽ hiện về điện thoại cá nhân khi tra các mã này mà không cần có bất cứ giấy tờ hoặc tờ khai gì.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này, người dân phải có điện thoại thông minh và kết nối mạng 4G hoặc 5G. Tất nhiên, người ta cũng có thể dùng cùng một số điện thoại để khai hộ thông tin cho những người khác, tuy nhiên việc làm này sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
(Theo VOV)
Cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc không thể thiếu khoa học và công nghệ
Ngay từ đầu tháng 2/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định: “Cuộc chiến chống dịch bệnh không thể đạt được nếu thiếu sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ”.