Người nước ngoài hiện cư trú trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn rất nhiều, đặc biệt là người Trung Quốc, và số lượng ngày càng tăng lên.
Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu đã lên tiếng cảnh báo về việc người Trung Quốc “núp bóng” gom đất ven biển Đà Nẵng”. Vậy tình hình này đang diễn ra ở Đà Nẵng thế nào và hiện trạng người Trung Quốc ở Đà Nẵng ra sao?
Hình thành “phố” của người Trung Quốc
Trao đổi sâu hơn với Pháp Luật TP HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu tiếp tục khẳng định việc mua bán đất ven biển do người Việt đứng tên, nhưng thực ra đứng sau là người Trung Quốc. Đây là vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị và cả quốc phòng nên Sở đã nhiều lần báo cáo sự việc. Theo đó, khu vực đất được mua chủ yếu là nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, đoạn nằm sát sân bay Nước Mặn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và đối diện với khu resort, giải trí casino cao cấp Silver Shores - cũng của người Trung Quốc.
Khu vực này trong thời gian qua ghi nhận ít nhất có 13 trường hợp người Trung Quốc “bơm” tiền cho người Việt mua đất. Tại đây cũng đã mọc lên nhiều nhà hàng, khách sạn do người Trung Quốc làm chủ.
Như vậy, một khu vực rộng lớn tại phường Hòa Hải là địa điểm sinh sống, làm ăn của người Trung Quốc. Điều đáng nói tại đây, ngoài tiếng Việt được ghi bé xíu, trên các biển quảng cáo phần lớn là chữ Trung Quốc. Nhiều người dân, du khách vẫn nhắc đến đây là “phố” Trung Quốc tại Đà Nẵng.
“Họ mua đất trống để làm nhà, khách sạn quy mô hàng chục tầng. Diện tích đất không lớn nhưng sau này cụm ấy có thể ở được cả trăm nghìn người đấy chứ. Cả khu vực Silver Shores và xung quanh đó hiện nay người Trung Quốc rất đông”, ông Điểu thông tin.
Theo ông Điểu, “cái này nguy cơ ghê gớm lắm. Bây giờ cần phải chờ chủ trương của thành phố. Có những công ty mua đất, tôi phải chuyển cho Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra nguồn gốc, vốn liếng của ai, nhưng cũng khó. Bây giờ cần phải tính toán để khống chế tầm cao, đừng cho họ xây cao quá. Quy mô chỉ cho làm nhỏ thôi, không cho làm lớn”.
Khu vực này nằm ngay sát sân bay Nước Mặn thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) nhưng nhiều lô đất đã được người TQ núp bóng người Việt mua để xây khách sạn, nhà hàng.
Khu vực này nằm ngay sát sân bay Nước Mặn thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) nhưng nhiều lô đất đã được người Trung Quốc núp bóng người Việt mua để xây khách sạn, nhà hàng.
Mua bán đất sát sân bay?
Về lo lắng này, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, bày tỏ: “Hiện nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì do Văn phòng Đăng ký sử dụng đất của thành phố làm. Vấn đề ở đây là người Việt chúng ta đứng tên để hợp thức hóa. Có thể nói rất khó để mà kiểm tra việc đứng tên phía sau này. Vấn đề bây giờ là phải đảm bảo cho được quốc phòng, an ninh. Theo tôi nắm được thì ở đây người nước ngoài chủ yếu là người Tung Quốc”, bà Thi nói.
Bà Thi cũng cho hay việc mua bán đất do người Trung Quốc đứng sau diễn ra ngay sát với sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn, một căn cứ quân sự của QK5 - PV) có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, quân sự nên rất đáng lo ngại.
Trước đây, chúng tôi cũng đã từng phản ánh dự án khu ký túc xá cho nhân viên của Silver Shores ban đầu được duyệt độ cao tĩnh không 64,5 m. Sau đó, Sư đoàn 375 nhận thấy vị trí công trình này nằm giữa hai trận địa pháo phòng không C2 và C11 nên đã yêu cầu hạ thấp độ cao xuống 43,6 m. Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi, công trình này đang bị đình chỉ để xem xét lại.
“Chúng tôi sẽ tham mưu để thành phố có các biện pháp cụ thể. Vấn đề quản lý cư trú của người nước ngoài trên địa bàn quận chúng tôi hết sức quan tâm. Với bản thân là Phó bí thư thường trực Quận ủy, trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ của quận, trong các cuộc họp giao ban của Thành ủy, tôi cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này”, bà Thi cho hay.
Tuy nhiên, theo bà Thi thì người nước ngoài tạm trú ở các resort trên địa bàn thì rất… khó quản lý. Bởi vì thành phố vẫn chưa phân cấp cho quận quản lý. Quận chỉ có thể quản lý những người nước ngoài tạm trú ở ngoài các resort.
“Người nước ngoài hiện cư trú trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn rất nhiều, đặc biệt là người Trung Quốc và số lượng ngày càng tăng lên. Trên tuyến đường Minh Mạng, người Trung Quốc thuê hẳn một nhà dân làm khách sạn Sun flower, toàn người Trung Quốc ở.
Cái này thì họ hoạt động kinh doanh bình thường và theo đúng pháp luật, nhưng bên trong thì mình không biết họ có làm gì không. Có người bảo không sao nhưng mình vẫn lo ngại. Mình không thể chủ quan được, đặc biệt là đối với người Trung Quốc vì khu vực đó là nhạy cảm về an ninh, chính trị, quốc phòng”, bà Thi nói.
Cử tri kiến nghị phải quản lý chặt những khu vực trọng yếu Sáng 27/9, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tiếp xúc với cử tri thị xã Điện Bàn - Quảng Nam. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ những băn khoăn, lo lắng của người dân về chất lượng hàng tiêu dùng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, người dân cũng bày tỏ băn khoăn về việc người nước ngoài mua nhà, làm việc tại Việt Nam, và kiến nghị cần có sự quản lý chặt chẽ, nhất là tại các khu vực trọng yếu. Ghi nhận những nỗ lực của người dân Quảng Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từ một vùng đất bước ra từ đau thương của chiến tranh, thiếu cơm, thiếu gạo, đến nay Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm 1997, khi vừa tách tỉnh, thu ngân sách của Quảng Nam chỉ có 110 tỷ đồng thì đến nay tỉnh đã có nhiều khu công nghiệp, sân bay, bến cảng… Giá trị sản xuất công nghiệp của Quảng Nam năm qua đã hơn 10.000 tỷ đồng, vượt trên nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Quảng Nam phải sát dân hơn, gần dân hơn. Qua đó, cần tăng cường đối thoại, giải thích cho người dân hiểu những vấn đề người dân thắc mắc, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, chống phá. Việc chống quan liêu, xa dân, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm bức thiết, đòi hỏi cần thực hiện ngay để chính quyền gần dân, đảng viên sát dân. Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho hay: Ở khía cạnh pháp lý, trong các quan hệ dân sự, kinh tế, chuyện người Trung Quốc bỏ tiền mua đất nhưng người Việt Nam đứng tên được Bộ luật Dân sự 2005 quy định là giao dịch dân sự giả tạo. Tuy nhiên, ở khía cạnh này, chỉ khi có các tranh chấp được đưa ra giải quyết giữa các bên mới phát hiện được. Tòa án hoặc cơ quan tài phán có thẩm quyền mới có thể tuyên vô hiệu, dựa trên yêu cầu của các bên liên quan. Trường hợp bình thường rất khó phát hiện, xử lý. “Người Trung Quốc có thể mượn cớ cho vay mượn tiền, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh… để từ đó can thiệp vào tất cả hoạt động kinh doanh của các cơ sở do người Việt đứng ra đăng ký. Nếu các dự án kinh doanh minh bạch, hiệu quả kinh tế, đảm bảo các điều kiện phát triển thì rất đáng hoan nghênh nhưng chúng ta không loại trừ các hiện tượng khó lường phía sau” - luật sư Cao nói. |
(Theo PLTPHCM)