Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu khoảng 2,7 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng xa xỉ, không được khuyến khích như điện thoại thông minh (smartphone), xe ô tô hạng sang… vẫn rất lớn.
Thích từ gạo đến ô tô nhập khẩu
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng 123,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng nghiên cứu thị trường GFK cũng cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2017, người Việt chi gần 20.000 tỷ đồng mua điện thoại thông minh. Doanh số smartphone bán ra đạt 3,6 triệu chiếc.
Con số này tăng so với 17,8 nghìn tỷ đồng cho 3,47 triệu smartphone cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh smartphone phân khúc giá rẻ (từ 2-3 triệu đồng) chiếm tỉ lệ cao nhất, thì smartphone giá tầm trung - cao cấp (gồm 4,5-6 triệu đồng và 6-10 triệu đồng) lần lượt chiếm vị trí thứ hai và ba trong nhóm smartphone được chọn mua nhiều nhất.
Nhiều người Việt sẵn sàng chi tiền để dùng hàng nhập khẩu |
Một thống kê khác từ Tổng cục Hải quan, cập nhật đến ngày 15-5-2017 cho thấy, ngoài nhóm hàng điện thoại và linh kiện, Việt Nam cũng nhập khẩu 38.106 chiếc xe từ nước ngoài, trong đó xe dưới 9 chỗ ngồi là 20.857 chiếc, trị giá khoảng 329 triệu USD. Ô tô và điện thoại là một trong những mặt hàng thuộc nhóm bị hạn chế nhập khẩu nhưng lượng nhập vẫn tăng, chứng tỏ nhu cầu hàng ngoại của người Việt rất cao.
Không quá khó hiểu khi ô tô hạng sang hay điện thoại thông minh thế hệ mới trong nước chưa sản xuất được, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng lại khó để lý giải việc một bộ phận không nhỏ người Việt thích gạo ngoại, trong khi gạo là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Một cuộc khảo sát mới thực hiện tháng 3-2017 do Công ty CP Yoilo Toàn cầu triển khai tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 53% người tiêu dùng thích ăn gạo ngoại, có xuất xứ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản…
“Nghiện” cả hàng ngoại “xách tay”
Là thành viên của “Xóm nghiện” đặt hàng từ nước ngoài, Nguyễn Vân Chi, một nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết: “Lâu nay, đồ dùng cá nhân của 3 thành viên trong gia đình tôi đều là hàng đặt từ nước ngoài về. Từ kính, mũ, quần áo, túi xách đến đồng hồ… đều là hàng của các thương hiệu nổi tiếng. Giá mỗi món đồ lên tới hàng chục triệu đồng”.
Chị Vân Chi cũng cho biết, những người cùng sở thích với chị lập một nhóm, gọi là “Xóm nghiện” để trao đổi thông tin, mua bán sản phẩm “xách tay” hàng giờ.
Tranh thủ những lúc các hãng lớn giảm giá, sẽ có người gom đơn hàng, đặt hàng và mang về Việt Nam bán lại. Thậm chí, những món hàng nhập khẩu đã qua sử dụng cũng được trao đổi, mua bán tại đây. “Dùng hàng ngoại yên tâm hơn về chất lượng”- chị Vân Chi chia sẻ.
Bình luận về tâm lý “sính ngoại” của người Việt, một chuyên gia về thị trường cho rằng: “Phải thừa nhận là rất nhiều mặt hàng Việt chưa cạnh tranh được về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu, sự ổn định so với hàng ngoại, nhất là với các hãng nổi tiếng.
Thế nên, những người Việt có thu nhập cao khi mua sắm sẽ chọn hàng ngoại. Muốn người Việt tự nguyện dùng và yêu thích hàng Việt, doanh nghiệp Việt cần hướng tới chất lượng, sự phong phú, sự mới mẻ và làm thương hiệu tốt, thay vì “chỉ trích” người tiêu dùng quay lưng với hàng Việt, bởi họ có tiền, họ có quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp”.
(Theo An ninh Thủ đô)