Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Viettel tin tưởng rằng người Việt Nam có đủ khả năng tự chủ nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị hạ tầng viễn thông |
Ông Nguyễn Đình Chiến cho biết, để có nghiên cứu sản xuất hạ tầng viễn thông, Viettel đã trải qua 3 chặng đường phát triển: từ một công ty xây lắp (1989 – 1999), trở thành doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Việt Nam (2000 – 2010) cho đến doanh nghiệp công nghệ (2010 – 2018) với một trụ cột phát triển mới đó là lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. Bước sang giai đoạn phát triển thứ 4 (bắt đầu từ năm 2018) Viettel mới đưa ra mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ cao, kinh doanh toàn cầu. Trong 9 năm qua, bằng khát vọng, niềm tin, trí tuệ, ý chí và sự nỗ lực không ngừng, lĩnh vực nghiên cứu sản xuất của Viettel đã vượt qua rất nhiều thách thức để hình thành nền móng của một Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp mà Viettel xây dựng gồm 3 mảng chính gồm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp An ninh mạng. Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông của Viettel bao gồm: nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, thiết bị đầu cuối thông minh và phát triển các dịch vụ viễn thông mới.
“Viettel đặt mục tiêu và tin tưởng sẽ làm chủ nghiên cứu sản xuất thành công toàn bộ thiết bị hạ tầng mạng viễn thông theo xu thế công nghệ mới, trong đó sẽ làm chủ thiết bị BTS 5G trước năm 2021. Sự tin tưởng này của Viettel xuất phát từ năng lực và kinh nghiệm tích lũy của Tập đoàn, năng lực sáng tạo và tính cần cù của con người Việt Nam, bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như sự đồng hành của Chính phủ cùng với các doanh nghiệp” ông Nguyễn Đình Chiến nói.
Viettel có cách làm khác biệt trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất
Phương pháp xuyên suốt của Viettel trong hoạt động nghiên cứu là làm chủ thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống, nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi và chỉ chuyển giao công nghệ từng phần, tránh phụ thuộc vào đối tác bên ngoài; các thiết bị và linh kiện bán phổ biến trên thị trường được đặt mua.
“Viettel cũng xác định phương châm trong nghiên cứu sản xuất là nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm chỉ hoàn thành 40% khi ra được sản phẩm mẫu, hoàn thành 70% nhiệm vụ khi bán được sản phẩm tại thị trường trong nước và hoàn thành 100% nhiệm vụ chỉ khi sản phẩm xuất khẩu được ra thị trường quốc tế. Với phương pháp này, Viettel đã định hình được cách làm mới trong hoạt động NCSX theo chủ đề được thể hiện trong một từ là “V-TOPIC” ông Nguyễn Đình Chiến nói.
Ông Chiến giải thích “V-TOPIC” với chữ V (Virtualization- Ảo hóa) là sử dụng các công cụ mô phỏng để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất; giảm rủi ro và tiết kiệm chi phí trong nghiên cứu, thiết kế. Chữ T (Latest Technology – Công nghệ mới nhất) là đi thẳng vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nhất. Chỉ có công nghệ mới nhất mới tạo được sự khác biệt cho sản phẩm, sản phẩm mới có thể cạnh tranh quốc tế, dẫn dắt thị trường. Chữ O (Open – Mở) là tư duy và hành động mở để tiếp nhận, cộng lực các nguồn năng lượng mới từ bên ngoài; thu hút được người tài về làm việc; xây dựng mạng lưới chuyên gia toàn cầu; mua bán/sáp nhập, liên doanh với các công ty nắm giữ các công nghệ lõi. Chữ P (People – Con người) là tìm người giỏi nhất, công ty giỏi nhất về làm, hợp tác với Viettel. Viettel luôn nhận thức rằng, người giỏi là người tìm được người giỏi nhất về làm cho mình. Chữ I (Investment – Đầu tư) là đầu tư nhanh và đồng bộ cho kết cấu hạ tầng như phòng thí nghiệm, máy móc trang thiết bị hiện đại phục vụ việc đo lường, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất ngay từ giai đoạn đầu. Chữ C (Challenge – Thách thức) là chọn việc khó nhất, thách thức nhất để làm; nếu làm được những việc này thì sẽ không sợ bị cạnh tranh hoặc rất khó để bị cạnh tranh. Khi chọn việc thách thức để làm chúng tôi sẽ tìm ra được những giải pháp, cách làm đột phá, tìm ra người tài.
Với nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng Viễn thông, Viettel đặt mục tiêu tới năm 2020, 80% thiết bị hạ tầng mạng lõi Viễn thông của Viettel là sản phẩm của Viettel và hoàn thành giai đoạn 1 nghiên cứu thiết kế, ra được sản phẩm mẫu là chipset và trạm BTS 5G, mục tiêu này phù hợp và đồng bộ với việc triển khai xây dựng hạ tầng Viễn thông của Viettel tại Việt Nam trong giai đoạn tới: năm 2019 – 2020 thử nghiệm thiết bị hạ tầng viễn thông 5G, đến năm 2021 sẽ triển khai mạng viễn thông 5G tại các đô thị và đến năm 2023 triển khai trên toàn quốc mạng viễn thông 5G.
Người Việt Nam có đủ khả năng tự chủ nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông
Ông Nguyễn Đình Chiến cho biết: “Trong 9 năm qua, kể từ khi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, Viettel với một suy nghĩ đơn giản nhưng hối thúc mãnh liệt, đó là Viettel là một doanh nghiệp Quân đội, Viettel phải đóng góp vào sự phát triển của Quân đội, cái gì Quân đội cần, Quân đội thiếu mà Viettel có thể làm được, thì phải làm. Bằng sự thôi thúc mãnh liệt đó, Viettel đã nghiên cứu, từng bước làm chủ một số sản phẩm cung cấp cho Quân đội, ví dụ như thiết bị thông tin, radar có tính năng và chất lượng tương đương với các sản phẩm cùng loại do Israel và Pháp sản xuất”.
Viettel đặt mục tiêu tới năm 2020, 80% thiết bị hạ tầng mạng lõi Viễn thông của Viettel là sản phẩm của Viettel sản xuất. |
Hiện trong lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông, Viettel đã làm chủ được việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị hạ tầng viễn thông giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho mạng lưới của Viettel và của quốc gia. Trong đó, đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất toàn bộ quá trình từ các thiết bị mạng truy nhập cho đến thiết bị mạng lõi của mạng viễn thông 4G và đưa vào triển khai trên mạng lưới của Viettel cả trong và ngoài nước. Đối với hệ thống tính cước OCS, Viettel đã đưa hệ thống này với dung lượng 90 triệu thuê bao di động, cố định tại thị trường Việt Nam và triển khai ở 9 thị trường Viettel đã đầu tư với tổng dung lượng hơn 50 triệu thuê bao, đây là dấu ấn mang tầm quốc tế, khẳng định sản phẩm Viettel có thể may đo cho từng thị trường, từng khách hàng. Những thành công này chứng tỏ người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được toàn bộ quá trình nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm viễn thông công nghệ cao, không bị phụ thuộc vào bên ngoài.
“Huawei – một doanh nghiệp được thành lập năm 1987 với sự khởi đầu là một công ty nhỏ chuyên mua bán thiết bị viễn thông; bắt đầu tham gia nghiên cứu, sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông năm 1995, qua quá trình phát triển hơn 30 năm đã trở thành một doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Viettel, sau hơn 5 năm tham gia vào lĩnh vực này đã đạt được một số kết quả khả quan. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng người Việt Nam có đủ khả năng tự chủ nghiên cứu, sản xuất thành công thiết bị hạ tầng viễn thông để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia và sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế ông", Nguyễn Đình Chiến tin tưởng.