-Để có niềm lạc quan vững bền dựa trên những thành tích thực sự của nền kinh tế, phải chăng chúng ta hãy bắt đầu từ những con số 1 thực tế, thay vì từ những con số 9 đẹp đẽ nhưng xa vời?

Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn và sánh vai các cường quốc năm châu là những gì người VN mơ ước. Thế nên lắm khi chúng ta thường hân hoan trước những cái nhất "quả đất" rồi nuôi niềm lạc quan và hy vọng. Nhưng sự thực thì sao?

Con số vàng 9999

Chẳng thế mà năm 2011, Việt từng dẫn đầu danh sách các quốc gia lạc quan nhất thế giới. Từ đó đến nay, tuy chưa được xếp hạng nhất thêm lần nào nữa nhưng ta vẫn có nhiều cơ sở để duy trì... lạc quan. Một trùng hợp thú vị là khá nhiều con số dẫn đến cơ sở lạc quan đều liên quan đến số 9, con số may mắn và lạc phúc theo quan niệm phương Đông.

Ví dụ đầu tiên là tỷ lệ thất nghiệp ở VN hiện đứng hàng thấp nhất thế giới với 1,84% theo công bố mới nhất từ Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) trong quý 2/2014. Con số này được coi là thấp nhất trong vòng một năm qua và Việt Nam nằm trong những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Theo số này thì tức là có đến 98,16% dân ta trong độ tuổi lao động có việc làm.

Tiếp đến, nền hành chính công của Việt Nam được coi là có những chuyển biến mà các quốc gia khác phải gờm. Bởi theo công bố ngày 20/8 của Bộ Nội vụ và WB thì hơn 80% số người dân tham gia khảo sát tại Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định đã bày tỏ sự hài lòng với dịch vụ hành chính công. Như vậy chỉ có vẻn vẹn 20% không hài lòng.

Một cuộc khảo sát tương tự diễn ra ở TP.HCM gần đây cũng cho thấy 99% người dân hài lòng với các dịch vụ hành chính công liên quan đến giao thông công chính, 90% liên quan đến tài nguyên môi trường, 94,3% liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn và riêng các dịch vụ liên quan đến LĐTBXH thì 100%. Đúng là... mười phân vẹn mười.

Trước đó, vào tháng 9/2013, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổng hợp từ báo cáo của các địa phương trong cả nước thì ở VN chỉ có 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tức là 99% đã hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Quả là những số đẹp, quá đẹp, toàn là đầu 9 và thậm chí là hai hay ba số 9 cả.

Nhưng đẹp nhất, như trong mơ có lẽ là con số của ngành giáo dục. Bộ Giáo dục hồi tháng 6/2014 công bố tỷ lệ học sinh tốt nghiệp PTTH của Việt Nam là 99,02%. Con số của năm 2013 có kém cạnh một chút là 98,97%. Năm nay sẽ có thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học, nên chưa biết con số kết quả hết năm học 2014-2015 ra sao. Chứ cứ như đà "phương trưởng" cũ thì khả năng cao là sẽ vượt khỏi con số 99,9% để đi đến 100%, tức cũng lại "mười phân vẹn mười".

{keywords}
Ảnh minh họa

Điều quan trọng là người dân, và ngay cả các nhà quản lý, chỉ sau vài phân tích nhỏ hẳn cũng đều băn khoăn hoài nghi những con số đẹp đẽ này.

Ví như tỷ lệ thất nghiệp 1,84% vừa công bố. Trong khi Tổ chức Lao động quốc tế cũng cho biết năng suất lao động ở VN đang rơi vào mức thấp nhất của châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, năng suất lao động của VN chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Tổng cục Thống kê cũng cho biết trong vòng 8 tháng đầu năm 2014, VN có đến 44.500 doanh nghiệp bị giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động, tăng 12,9% so cùng kỳ năm trước.

Con số báo cáo thì chỉ có 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi chính Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ ra: "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về".

Rõ ràng khoảng cách từ các con số vàng mười này đến thực tế là khá xa. Thế nên, để duy trì tinh thần lạc quan nếu chỉ dựa vào các con số đã được công bố trên bề mặt quả là một thử thách vô cùng gian nan.

Đổi số 1 lấy số 9

Tuy nhiên, để "bộ sưu tập" số 9 đầy đủ, cũng cần bổ sung những con số 9 gây đau đầu.

Báo cáo VN 2030 mà Chính phủ VN cùng thực hiện với Ngân hàng thế giới vừa được công bố cho thấy, để có thể theo kịp nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Việt Nam đang cần tăng trưởng 9% liên tục trong vòng 20 năm.

Trong khi đó, báo cáo đề dẫn của WB tại cuộc họp công bố cho thấy, 20 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,7%/năm, cao thứ hai thế giới. Trong trường hợp chỉ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm, Việt Nam sẽ nằm trong bẫy thu nhập trung bình.

Điều đáng nói là muốn đạt con số 9 % tăng trưởng /năm, một con số thực sự nằm trong mơ, thì VN sẽ phải cải cách, cải tiến rất mạnh mẽ, quyết liệt, trong đó có cả việc đưa lại những số thống kê ảo, thống kê để báo cáo thành tích trở về con số thực.

Và thay vì những số 9 mơ hồ, ta chỉ cần các số 1 nhưng hiệu quả. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương thì "Cắt giảm được 1 ngày làm thủ tục cho xuất nhập khẩu sẽ tiết giảm được chi phí xuất nhập khẩu tương đương 1% tổng kim ngạch. Như vậy, tính ra nếu năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 300 tỷ USD, nếu giảm được 1 ngày làm thủ tục đối với hoạt động xuất nhập khẩu thì cả xã hội tiết giảm được 3 tỷ USD chi phí".

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay những chi phí cả xã hội, mà chủ yếu là các DN phải chịu do kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục một cách không cần thiết, trung bình vào khoảng 0,8 - 0,9% GDP. Như vậy, nếu GDP của cả nước năm nay đạt khoảng 164 tỷ USD thì những chi phí tương đương mà DN phải chịu là gần 1,5 tỷ USD! Chỉ cần tiết kiệm được khoản vô lý chưa đến 1% GDP này ta đã có thêm biết bao nhiêu tiền của cho xã hội.

Còn theo ông Olin MacGill, chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh của Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), một công ty mới thành lập tại Việt Nam có thế tiết kiệm được khoảng 1,1 triệu USD/năm nếu các cơ quan quản lý cắt giảm được số giờ thực hiện các thủ tục đăng ký và thành lập DN.

Như vậy, để có niềm tin và niềm lạc quan lâu bền dựa trên những thành tích thực sự của nền kinh tế, phải chăng chúng ta hãy bắt đầu từ những con số 1 thực tế thay vì từ những con số 9 đẹp đẽ nhưng xa vời?

Nguyễn Anh Thi

Bài cùng tác giả:

Bài văn kinh điển nhiều học sinh không viết nổi?

Vào năm học, có lẽ nhiều học sinh sẽ không tài nào viết nổi bài văn với đề bài cổ điển: Em hãy tả buổi lễ khai trường và nêu cảm nghĩ của em.

'Run tim' vì một thay đổi tác động hàng triệu người

Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.

Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN

Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay.

Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?

Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện.